Nghe tin người nhạc sĩ, thế hệ đi trước đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp sáng tác và có rất nhiều ca khúc nổi tiếng để lại dấu ấn sâu đậm với người nghe, trong lòng Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nghẹn ngào xúc động.

Nhạc sĩ Đức Trịnh cho biết: Nhạc sĩ Tôn Thất Lập trưởng thành từ phong trào sinh viên ở Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông là người hoạt động trong phong trào sinh viên và từng có thời gian ra Bắc học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) rồi sau đó quay vào miền Nam làm công tác văn hóa. Bởi thế, các sáng tác của ông rất đa dạng, đã tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Ảnh: Báo Nhân Dân

Trong các sáng tác của mình, nhạc sĩ Tôn Thất Lập có nhiều ca khúc được đông đảo công chúng yêu thích như: Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân, Mưa thì thầm, Oẳn tù tì, Cô bé dễ thương, Tình yêu mãi mãi... Nhạc sĩ Tôn Thất Lập cũng đã xuất bản các tuyển tập nhạc: Phố ca, Hát cho dân tôi nghe, Hát lời chiêm bao, Tình ca mùa xuân, Tuyển tập Tôn Thất Lập và các album Nụ hôn, Tình ca mùa xuân… Ngoài ra, ông còn viết rất nhiều ca khúc nhạc múa và nhạc phim.

“Trong đời thường, nhạc sĩ Tôn Thất Lập là người có lối sống rất chân thành, gần gũi với bạn bè và người thân cũng như khán giả. Âm nhạc của Tôn Thất Lập rất uyên bác, nhẹ nhàng, trí tuệ. Những bản nhạc của anh ngoài tình cảm còn mang tính triết lý sâu sắc cả về ngôn ngữ âm nhạc và ca từ”, nhạc sĩ Đức Trịnh nhấn mạnh.

“Chúng tôi đã đến thăm anh khi đang nằm trên giường bệnh. Những ngày cuối đời, anh sống rất lạc quan. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập là một tấm gương hoạt động âm nhạc được mọi người yêu mến. Trước đó, mặc dù tuổi cao nhưng phong cách âm nhạc của anh rất trẻ. Hình ảnh anh cầm đàn và hát đã ăn sâu trong tiềm thức khán giả. Hôm qua, tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, trong phóng sự phát tại buổi lễ cũng có hình ảnh nhạc sĩ Tôn Thất Lập cầm đàn và hát. Vẫn biết quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” thì ai cũng phải trải qua nhưng hôm nay, nghe tin anh qua đời, tôi cũng như nhiều nhạc sĩ cảm thấy rất tiếc nuối, anh là tấm gương sáng cả trong cuộc sống và sự nghiệp sáng tác”, nhạc sĩ Đức Trịnh bộc bạch.

Thời trẻ, nhạc sĩ Tôn Thất Lập hoạt động âm nhạc trong phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" rất sôi nổi. Khi ấy, những ca khúc của ông như: Hát cho dân tôi nghe, Xuống đường, Hát trong tù, hợp xướng Lúa reo trên khắp đồng bằng... đã được cất cao trên các nẻo đường, trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam.

Từng có thời gian giao lưu, trò chuyện cùng nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhạc sĩ Lân Cường bộc bạch: “Tôn Thất Lập là một nhạc sĩ đã để lại nhiều tình cảm cho đồng nghiệp bởi lối sống gần gũi, chan hòa, khiêm tốn. Anh rất tha thiết với phong trào âm nhạc của sinh viên. Anh từng tâm sự với tôi rằng: Niềm vui sướng nhất của người nhạc sĩ là khi mất đi nhưng những tác phẩm âm nhạc thì còn sống mãi”.  

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập (bút danh Trần Nhật Nam, Lê Nguyên), sinh ngày 25-2-1942, tại Huế. Ông là Phó tổng thư ký Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh khóa 3, 4; Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh khóa 5; Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh khóa 6; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam các khóa 3, 4, 5, 6 và 7; Phó tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 6; Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 7. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt II (năm 2007).

KHÁNH HUYỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.