QĐND - Có phải vì là một người làm thơ nên tôi có thể thiên vị khi nói rằng, thơ là tiếng lòng con người chỉ để hướng về những gì là CHÂN - THIỆN - MỸ trên đời. Văn xuôi có thể viết về cái ác (tất nhiên cũng vì cái thiện), nhưng thơ (trừ thơ châm biếm, đả kích) luôn chỉ dành hết tình yêu thương cho những gì là nhân văn, cao quý và cao cả của con người. Thơ có thể viết về nỗi buồn đau, mất mát, tuyệt vọng… nữa, nhưng tất cả cũng chỉ vì quá yêu thương, gửi gắm và hy vọng.
Phải dài dòng như thế để nói rằng, từ ngày Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) ra đời và nhận vào mình trọng trách cao cả, thiêng liêng và cũng vô cùng nặng nề là chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân suốt 70 năm qua, thì cũng suốt thời gian ấy, dường như đã chảy cuồn cuộn một dòng Thơ theo sát từng bước đi của các chiến sĩ QĐNDVN mà nhân dân ta đã định danh bằng cụm từ cao quý “ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ”.
Để dẫn ra đây những câu, những đoạn thơ có chủ đề và cảm xúc này thì có lẽ phải cần đến cả cuốn sách, thậm chí nhiều cuốn sách, trong bài báo nhỏ này chúng ta hãy bằng lòng với vài ba dẫn chứng rất tùy nghi, các bạn nhé!
Bước ra từ Khu rừng lịch sử với số lượng cỡ không đến một đại đội, lại do một vị Tổng chỉ huy mang dáng vẻ… trí thức, thầy giáo hơn là võ tướng…, thế mà ngay lập tức đạo quân ấy đã tham gia những trận đánh từ nhỏ đến lớn, cùng toàn dân làm nên cuộc Cách mạng mùa Thu lừng lẫy, và chỉ một thời gian ngắn sau đó là lao vào hai cuộc trường chinh dằng dặc với những kẻ địch khổng lồ, được vũ trang tận chân răng. Lao vào và từng bước trưởng thành, cuối cùng làm nên hai kỳ tích không thể tưởng tượng, khiến cả nhân loại và ngay cả đối phương cũng phải ngả mũ!
Cho nên, dễ dàng thấy với những con người như thế, có nhà thơ đích thực nào không gửi hết yêu thương và khâm phục.
 |
Bộ đội Lữ đoàn 382- QK1 trên bãi tập. Ảnh: Minh Trường |
“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo”.
Đó là Tố Hữu - nhà thơ Cách mạng hàng đầu. Bốn câu thơ đã dựng lên cả một bức tượng đài lồng lộng trên núi cao, trời rộng, tạc vào thời gian, tạc vào lịch sử!
Để đi đến bức tượng đài bao trùm cả mọi số phận, mọi cuộc đời vào trong đó, thì phải đi qua những chi tiết nhỏ bé của mỗi phút mỗi giây, chẳng hạn cái phút gặp gỡ giữa đường này của nhà thơ và một anh bộ đội - cũng được tái hiện dưới ngọn bút tài hoa và ân tình của Tố Hữu:
“Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh Vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế!”
Những ai làm thơ và yêu thơ đều biết rằng một khi thơ đã vượt qua những thủ pháp tu từ nghệ thuật để thốt lên những lời trần trụi của trái tim như cách nói của mấy câu thơ trên thì chính là lúc thơ đạt đến tột đỉnh của cảm xúc, và thơ đã đạt đến ĐỜI và ĐẠO, nghĩa là cao hơn cả THƠ!
Phải có một cảm xúc mạnh không cưỡng nổi thì một nhà thơ, nhất là một nhà thơ tài năng xuất chúng như Tố Hữu mới thốt ra những câu ngỡ như bất chấp cả lề luật của nghề thơ! Và cảm xúc đó dĩ nhiên là vì hình ảnh quá yêu thương, cảm phục mà anh lính Cụ Hồ này đã gợi lên cho nhà thơ của chúng ta!
Hai mươi năm sau, nhà thơ Lê Anh Xuân trong bài thơ, hay cũng là một bức tượng đài bằng thơ khác - “DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM” - thì đã sử dụng một bút pháp khái quát hóa cao độ khi thốt lên trước sự hy sinh đầy tính biểu tượng của anh Giải phóng quân:
“Anh chẳng để lại chi trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ…”
Và:
“Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân!”.
Như Thần Ăngtê chỉ có được sức mạnh vô địch khi đứng chân trên mặt đất, bởi đơn giản Đất chính là Mẹ đẻ của vị Thần này, anh Bộ đội Cụ Hồ cũng hút nguồn sữa mẹ bất tận để làm nên mọi chiến thắng từ người Mẹ Lớn của mình là Nhân Dân - Nhân Dân ở đây vừa là khái niệm bao trùm mọi người thân, bạn bè, đồng bào, đồng chí, đồng đội của anh, vừa là những con người vô cùng cụ thể:
Từ một người mẹ già trong thơ Tố Hữu:
“Mẹ già tóc bạc hoa râm
Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con”
(“Bầm ơi”)
Một người vợ trẻ trong thơ Hồng Nguyên:
“Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya”
(“Nhớ”)
Một người yêu dù đã xa cách trong đời thực nhưng lại luôn hiện lên phía trước như một màu hoa vẫy gọi trong thơ của nhà thơ liệt sĩ thời chống Mỹ, Nguyễn Mỹ:
“Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trong bếp
Giữa làng xa một đêm gió rét
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly”
(“Cuộc chia ly màu đỏ”)
Cũng người con gái thương yêu của hậu phương như thế, trong thơ của Lưu Quang Vũ lại hóa thân vào một mảnh vườn rợp bóng chở che:
“Rừng rậm đèo cao anh đã vượt lên
Theo tiếng gọi con tàu ngày bé dại
Vườn không níu được bước chân trở lại
Nhưng lá còn che mát suốt đường anh”
Nhưng có lẽ tình yêu mà những người yêu của lính dành cho nhau mới đẹp và kỳ lạ nhất khi cả hai cùng đang ở giữa mặt trận, chẳng hạn “bức thư tình” thú vị và hy hữu trong thơ Phạm Tiến Duật:
“Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn”.
(“Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”).
Và bao gồm hết mọi thứ tình yêu mà Nhân Dân ta dành cho những người lính Cụ Hồ có lẽ không gì gợi cảm hơn bằng hình ảnh một hơi ấm tỏa ra từ những cọng rơm nghèo xơ xác và tột cùng giản dị mà cũng tột cùng thơm thảo của tấm lòng yêu thương bát ngát trong thơ của Nguyễn Duy:
“Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng
Trong hơi ấm hơn ngàn lần chăn đệm
Của những cọng rơm xơ xác, gày gò”.
(“Hơi ấm ổ rơm”).
…
Tôi đã phải dùng đến dấu ba chấm (…) để diễn đạt sự bất tận của những câu thơ, tình thơ mênh mông về hình ảnh của anh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng của Nhân Dân ta suốt 70 năm qua.
Rõ ràng bạn đã thấy tôi phải sử dụng thủ pháp “vẽ mây nẩy trăng”, mượn tình yêu thương của mọi lớp người dành cho người lính cách mạng chúng ta để vẽ lên hình ảnh của chính những người lính ấy! Anh phải là người thế nào thì mới được yêu thương đến thế chứ? Vâng, lối vẽ chân dung tâm hồn lại phải mượn đến những lối diễn đạt của tâm hồn chứ sao!
Và sẽ không gì có lý hơn, khi sau một hồi dài dùng thơ của các nhà thơ khác để nói về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng người dân Việt, tôi xin được kết thúc bài viết rất… tùy hứng này bằng chính những dòng thơ của tôi, những suy nghĩ và cảm xúc ào ạt khi tôi ngồi trước trang giấy trắng của một bản trường ca dành cho những người lính, đồng đội yêu thương của mình:
“Họ đã đi từ anh Vệ quốc quân
Đến anh Bộ đội Cụ Hồ
Một con đường ba mươi năm không nghỉ
Một dáng hình ba mươi năm không đổi
Tạc giữa lòng người
Sống với thời gian
….
Ba mươi năm
Bao nước chảy qua cầu
Bao nhiêu cuộc chia tay và gặp gỡ
Cuộc sống hóa bình thường trong khói lửa
Mỗi đời người mang hai cuộc chiến tranh
Những đứa trẻ lớn lên tiếp bước cha anh
Thành người lính vì không sao khác được
Lại những chặng hành quân lưng đèo, cuối dốc
Một con đường, khẩu súng, chiếc ba lô
Mang trong tim tiếng gọi của Bác Hồ
Thành lẽ sống bao giờ không nhớ nữa
Cả dân tộc băng mình trong máu lửa
Để trở về trong Độc lập, Tự do….”
(Trường ca “Điệp khúc vô danh”).
Nhà thơ ANH NGỌC