Đam mê chinh phục những đỉnh cao
Sinh năm 1939, Tabei là con thứ năm trong gia đình có 7 anh chị em sống ở thị trấn nhỏ Miharu, cách thủ đô Tokyo 200km về phía bắc.
Năm 1949, Junko Tabei tròn 10 tuổi. Một hôm, nhà trường của Tabei tổ chức chuyến dã ngoại. Các học sinh đi bộ đường dài gần dãy núi Nasu, một dãy núi lửa nằm không xa thị trấn Miharu. Tabei rất thích chuyến dã ngoại này. “Nó không giống như một cuộc thi. Ngay cả khi bạn đi chậm, bạn vẫn có thể lên tới đỉnh. Hoặc, nếu bạn phải làm vậy, bạn có thể bỏ cuộc giữa chừng…”, cô giải thích với tạp chí Sports Illustrated của Mỹ năm 1996 khi kể lại ấn tượng đầu tiên của mình.
 |
Bà Junko Tabei đã leo lên đỉnh Everest vào năm 1975. Ảnh: Jiji Press/AFP |
Vào thời điểm đó, Nhật Bản vừa mới thoát khỏi Chiến tranh thế giới lần thứ hai nên đất nước còn nghèo. Và việc luyện tập leo núi chỉ là mơ ước. "Chúng tôi phải lo lắng về việc sẽ ăn gì thay vì các hoạt động giải trí”, bà Tabei nhớ lại.
Nhưng leo núi vẫn còn đó, ở một góc trong tâm trí cô bé. Khi còn học trung học, Tabei đã leo lên một số đỉnh núi ở Nhật Bản. Sau đó, cô tiếp tục theo học ngành văn học Anglo-Saxon tại một trường đại học ở Tokyo.
 |
Bà Junko Tabei năm 2003. Ảnh: Kazuhiro Nogi/AFP
|
Sau khi tốt nghiệp năm 1962, Tabei trở thành biên tập viên cho một tạp chí khoa học Nhật Bản. Và Tabei đã tham gia các câu lạc bộ leo núi-một môn thể thao chủ yếu dành cho nam giới. “Một số đàn ông không muốn leo núi cùng tôi, nhưng những người khác, lớn tuổi hơn một chút, lại ủng hộ tôi nhiều hơn. Một số ít nghĩ rằng tôi tham gia câu lạc bộ là để gặp gỡ đàn ông. Tôi thường được khuyên rằng phụ nữ không nên leo núi Everest”, Tabei chia sẻ.
Trong những năm sau đó, Tabei đã leo lên những đỉnh núi cao nhất ở Nhật Bản. Năm 1969, bà đã thành lập câu lạc bộ leo núi dành cho phụ nữ. “Vào thời điểm đó, người sử dụng lao động chỉ cấp khoảng 15 ngày nghỉ phép có lương mỗi năm. Tiền bạc cũng khan hiếm”, tờ The Guardian của Anh viết.
Năm 1970, Câu lạc bộ leo núi do Tabei sáng lập quyết định lần đầu tiên chinh phục ngọn núi ở ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Họ đã chinh phục thành công đỉnh núi Annapurna III, cao tới 7.555m nằm ở trung tâm dãy Himalaya thuộc Nepal, vào ngày 19-5-1970. Đứng trên đỉnh Annapurna III, một ý tưởng nảy sinh trong đầu Junko Tabei, đó là phải chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới Everest.
Năm sau, Tabei nộp đơn xin giấy phép từ chính phủ Nepal. Thật đáng tiếc khi bà không thể nhận được giấy phép trước năm 1975. Junko Tabei đã tận dụng cơ hội này để tìm kiếm nhà tài trợ. "Tôi thường được khuyên rằng phụ nữ không nên leo núi Everest", bà tâm sự. Nhưng tờ báo Yomiuri Shinbun và kênh truyền hình Nihon lại nói “đồng ý”. Kết quả là, vào tháng 5-1975, Tabei đã có mặt trên sườn núi “nóc nhà thế giới” và đi bộ lên đỉnh.
Vào ngày 4-5-1975, Tabei cùng 14 nữ leo núi khác đang cắm trại thì ngọn núi bắt đầu rung chuyển. Đã quá nửa đêm và một tiếng động chói tai vang lên. Một trận tuyết lở đã cuốn trôi căn lều của bà, trong đó có 4 người leo núi khác đang ngủ.
Chôn mình dưới tuyết, bà nghĩ đến cô con gái Noriko, 2 tuổi rưỡi, đang chơi đùa trước nhà bà, không xa Tokyo. Chồng bà, Masanobu Tabei, chăm sóc bà ở Nhật Bản. Và rồi Tabei ngất đi.
May mắn, 6 người Sherpa đi cùng đoàn thám hiểm đã kéo bà ra khỏi tuyết bằng cách nắm mắt cá chân của bà. Những người leo núi khác cũng còn sống.
Cuộc leo núi vẫn tiếp tục. 12 ngày sau, Tabei nhìn ra thế giới rộng lớn từ điểm cao nhất hành tinh.
Từ Nam Cực đến Tanzania
Từ đỉnh Everest trở về, Tabei và đoàn leo núi đã nhận được lời chúc của Vua Nepal và Chính phủ Nhật Bản. Trên truyền hình Nhật Bản, có một bộ phim truyền hình ngắn kể lại câu chuyện về chuyến thám hiểm của Tabei. Tên tuổi của bà xuất hiện trên các tờ báo của Nhật Bản.
Thành công nối tiếp thành công. Tabei tiếp tục đạt được danh sách ấn tượng về chinh phục các đỉnh núi cao nhất trên khắp thế giới. Ví dụ, năm 1980, bà Tabei leo lên thành công đỉnh núi Kilimanjaro ở Tanzania và là đỉnh núi cao nhất châu Phi. Bà tiếp tục chinh phục núi Aconcagua, cao 6.962m ở Argentina (năm 1987); núi McKinley, nay là Denali, ở Mỹ, cao 6.190m (năm 1988); Elbrus ở Nga cao 5.642m (năm 1989); núi Vinson, Nam Cực, cao 4.892m (năm 1991); núi Puncak Jaya ở Indonesia, độ cao 4.884m (năm 1992)...
 |
Nhà leo núi Junko Tabei dẫn đầu đoàn leo núi chinh phục các đỉnh núi cao. Ảnh: Jaan Künnap |
Không chỉ leo núi, bà Tabei còn tham gia nhiều chuyến thám hiểm để thu gom rác thải do những người leo núi để lại ở dãy Himalaya và Nhật Bản.
Ngày 20-10-1996, nhà leo núi người Nhật Bản Junko Tabei đã qua đời ở gần Tokyo, thủ đô Nhật Bản, vì bệnh ung thư, thọ 77 tuổi.
“Câu chuyện chinh phục các đỉnh núi cao của bà Tabei không chỉ giới hạn ở sức mạnh của con người và thể thao. Trong suốt cuộc đời mình, bà cũng "đấu tranh với các chuẩn mực xã hội", tờ báo Mỹ The Washington Post viết.
HOÀNG ĐĂNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.