Nguyễn Đình Thi là người Hà Nội gốc chính hiệu, chính hiệu đến mức mất luôn quê, bởi cái làng quê gốc của ông nằm kề bên Hồ Gươm từ lâu đã mang tên... phố Bà Triệu.
“Người Hà Nội”-một bài hát dài hơi đòi hỏi kỹ năng sáng tác nhất định ở người viết. Một trường ca đa sắc thái đòi hỏi bản lĩnh thể hiện và kỹ thuật thanh nhạc ở người hát. Song tác giả của nó lại chẳng bao giờ xưng danh nhạc sĩ, mà chỉ tự nhận mình là một “tay ngang” sáng tác theo cảm xúc bản năng. Đã có lần tôi thử vặn hỏi ông về khúc thức, nhưng ông vẫn không chia sẻ chút gì dính dáng đến học thuật để tôi có thể dựa dẫm cho bài viết này.
|
|
Nghệ sĩ Ưu tú Đăng Dương thể hiện tác phẩm "Người Hà Nội" trong chương trình nghệ thuật "Vang mãi bản hùng ca bầu trời" do Báo Quân đội nhân dân tổ chức. Ảnh: TUẤN HUY
|
Muốn phân tích tác phẩm ư, chẳng còn cách nào khác là thả mình trôi theo dòng chảy giai điệu... Và rồi tôi cũng tự “chốt”: Chia trường ca thành 3 phần theo các chức năng mở bài-phát triển-kết bài; trong đó mỗi phần là một tổ hợp từ 3 đoạn nhạc trở lên. Phần đầu miêu tả quá khứ linh thiêng, truyền thống hào hùng, nhịp sống sinh động, còn phần giữa và phần cuối là bức tranh chiến đấu trong hiện tại và chiến thắng trong tương lai. Hãy cùng hát lại giai điệu từng phần, từng đoạn nhạc để từ toàn cảnh Hà Nội thấy được bức tượng đài bằng âm thanh của người Hà Nội.
“Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây”, những tên sông, tên hồ đặc trưng Hà Nội được ngân nga, thắm thiết, dịu dàng, giai điệu dâng lên âm khu cao hơn, rồi dàn trải với các tên gọi xưa và nay của Thủ đô: “Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội”. Từ chùm tên gọi này hình thành một “mô típ lời ca” về sau còn xuất hiện trong không ít ca khúc của các nhạc sĩ khác. Có lẽ đây là lần đầu tiên địa danh “Hà Nội” được hát lên trong âm nhạc.
“Hà Nội cháy”, không còn mặt nước sâu lắng long lanh. Hà Nội ngàn năm linh thiêng bỗng chìm trong khói lửa. Nhắc lại là thủ pháp đơn giản được tận dụng, ở đây lặp lại không chỉ một âm, mà còn cả tiết nhạc “Hà Nội vùng đứng lên” để nhấn mạnh ý chí kiên cường của người Hà Nội. Xuất hiện các quãng nhảy rộng và những nốt ngân dài dành khoảng trống cho nhạc cụ diễn tấu. In sâu trong tâm trí tác giả là hình ảnh Thủ đô nhìn từ trên cầu Long Biên vào đêm 19-12-1946, khởi điểm cuộc kháng chiến trường kỳ: “Hà Nội hồng, ầm ầm rung”... “Chỗ này phối khí cần có tiếng ùng ùng đại bác con ạ”, bố tôi đã hình dung như thế ngay từ khi viết giai điệu, tư duy khí nhạc.
“Hà Nội đẹp sao”, một Hà Nội yên bình với giai điệu đằm thắm dịu dàng ở điệu thứ cùng tên. Trong màu sắc mới do pha trộn điệu tính thứ và trưởng, đoạn này vẫn duy trì cách lặp lại âm xen kẽ bước nhảy xa. Lại lần nữa giai điệu nổi lên mạnh hơn, cương quyết hơn với “ngàn nguồn sống tràn đầy dâng” để chuẩn bị cho tiết tấu rộn ràng ở đoạn sau.
Đoạn nối “Ôi tha thiết”, đặt “dấu chấm” kết trọn ở điệu tính chính cho phần đầu.
Ban đầu bài hát chỉ viết tới đây, rồi kết thúc bằng nhắc lại mấy nhịp mở đầu. Phiên bản đầu tiên mang tên “Bài hát của một người Hà Nội” được in trên báo Cứu Quốc Tết 1947 để gửi tặng các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Cuối năm 1947 bài hát được nối tiếp thêm hai phần còn lại, khởi đầu một hình thức quy mô lớn cho nền ca nhạc cách mạng.
“Một ngày thu”, hành khúc chiến thắng trở về có trích dẫn câu mở đầu Quốc ca “đoàn quân Việt Nam đi”-niềm tin vẫn mạnh mẽ trong lòng người Hà Nội...
“Hà Nội cháy”, để có được “ngày ấy”, thì trời Hà Nội phải đỏ máu. Không còn những nốt ngân dài khi nhắc lại hình ảnh “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội ầm ầm rung”-truyền thống quả cảm quyết bảo vệ mảnh đất thiêng đang được tiếp nối. Với tiếng gọi vùng lên, tiếng thét xung phong đầy kịch tính, giai điệu hành khúc được đẩy dần lên nốt cao nhất, đó cũng là cao trào của toàn bài.
Ở phần cuối “Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười trên môi Người cười...”, giai điệu dịu dàng lâng lâng trong giấc mơ ngày vui trở về của người Hà Nội. Bài hát phát triển liên tục như con sông chỉ chảy xuôi dòng qua các cảnh tượng khác nhau của Hà Nội và cảm xúc khác nhau của người Hà Nội. Tính ngẫu hứng tạo nên kết cấu tự do cho trường ca-một hình thức được yêu thích trong giai đoạn kháng chiến.
Trong 3/4 thế kỷ có mặt trong nhiều chương trình ca nhạc lớn nhỏ, “Người Hà Nội” có nhiều phiên bản không chỉ phối khí cho phần đệm mà còn chuyển soạn cho nhạc không lời. Phiên bản đầu tiên cách đây 75 năm khá đặc biệt: Bài hát hoàn thành chỉ phần đầu được thu âm tại đài phát thanh ẩn náu trong một cái hang gần chùa Trầm (Hà Đông) qua giọng hát của tác giả với phần đệm banjo, điểm thêm tiếng thìa gõ lên bàn của hai hàng binh người Đức. Người đầu tiên phối khí phần đệm dàn dây kiêm nhạc trưởng của buổi công diễn tại chiến khu năm 1948 là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát; năm 1951 “Người Hà Nội” “xuất ngoại” tham dự Festival Thanh niên thế giới tại Berlin (Đức) và lần đầu được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng, có lúc được dàn nhạc chơi như tác phẩm không lời, có lúc dàn nhạc đệm cho tác giả hát.
Phần đệm piano chỉn chu công phu của Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hữu Tuấn được dịch chuyển cao lên nửa cung để phù hợp với giọng của Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Bình-nghệ sĩ hát “Người Hà Nội” được tác giả ưng ý nhất. Ông cũng rất thích bản chuyển soạn cho độc tấu guitar của nghệ sĩ Văn Vượng, tác giả đã ôm rồi cầm tay nghệ sĩ khiếm thị đưa lên mắt mình để biết rằng ông đang khóc sau khi nghe bản nhạc...
Còn nhiều phiên bản tác giả không kịp nghe, mới nhất là bản song tấu violoncelle và dàn nhạc của Trần Mạnh Hùng vừa diễn những ngày đầu tháng 12-2022.
Mọi sự kiện thời sự qua đi, cái còn đọng lại mãi là hình ảnh một Hà Nội thiêng liêng, một vẻ đẹp vĩnh cửu: “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”.
Nhà lý luận phê bình âm nhạc NGUYỄN THỊ MINH CHÂU