Cứ đến dịp Trung thu, ông Vũ Huy Đông vẫn đang miệt mài tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi đủ hình thù với màu sắc sặc sỡ. Điều đó đã thể hiện được khát vọng “hồi sinh” đồ chơi dân gian, giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, góp phần khẳng định văn hóa dân gian là sức sống của dân tộc đúng như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói “Mất dân gian là mất hồn dân tộc”.
Men theo Quốc lộ 5B, cách Hà Nội hơn 50km, chúng tôi tìm về thị trấn Như Quỳnh (tỉnh Hưng Yên) rồi ngược theo đường Phố Nối để đến nhà ông Vũ Huy Đông (sinh năm 1953) ở làng Ông Hảo. Ngôi làng nằm ở vị trí trung tâm của xã Liêu Xá thuộc huyện Yên Mỹ, ẩn mình dưới những nếp nhà ngói cổ kính, bình yên đến lạ lùng.
Hơn 40 năm nay, ông vẫn miệt mài làm nên những chiếc mặt nạ giấy bồi đầy màu sắc, chỉ từ những nguyên liệu hết sức đơn giản như các loại giấy trắng, giấy báo và bìa carton tái chế, cùng với hồ dán nấu từ bột sắn.
 |
Hơn 40 năm nay, ông Vũ Huy Đông vẫn miệt mài làm nên những chiếc mặt nạ giấy bồi đầy màu sắc, chỉ từ các nguyên liệu hết sức đơn giản như giấy trắng, giấy báo và bìa carton tái chế, cùng với hồ dán nấu từ bột sắn. |
“Thổi hồn” vào từng chiếc mặt nạ giấy
Tới thăm nhà ông Đông-nghệ nhân đã có 40 năm gắn bó với nghề làm mặt nạ giấy bồi. Ông chia sẻ: “Từ 2.000 - 3.000 năm trước, người Việt cổ đã biết làm mặt nạ từ vỏ cây, da thú. Khi xã hội văn minh hơn thì được thay thế bằng nguyên liệu giấy bồi, nhìn chiếc mặt nạ giấy bồi có vẻ đơn giản nhưng để thổi hồn vào thì tốn khá nhiều công sức”.
Với ông Đông, chỉ cần yêu thích đồ chơi dân gian truyền thống tìm về làng Ông Hảo thì đều được coi là người nhà. Một chiếc mặt nạ giấy bồi hoàn thiện phải trải qua 3 công đoạn: Bồi thô, sơn vẽ và hoàn thiện đóng gói. Công đoạn nào cũng đòi hỏi người nghệ nhân phải cẩn thận, nếu không chú ý sẽ bị nhăn, không lì mặt, rúm ró… từng chi tiết nhỏ nhất cũng được ông Đông gửi gắm trong mỗi chiếc mặt nạ giấy bồi.
Theo ông Đông, phải tạo khuôn đúc mặt nạ bằng xi măng sau đó mới bồi thô. Ngoài những chiếc mặt nạ truyền thống như ông Địa, bà Địa thì còn có khuôn đúc hình trâu, ngựa, siêu nhân… phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Sau khi có khuôn sẽ đến công đoạn quét hồ vào lớp giấy A4 và bồi dần dần vào mặt của khuôn. Kế lớp giấy là lớp bìa, cứ bồi liên tục tùy theo độ dày, mỏng của mặt nạ. Công đoạn này phải hết sức cẩn thận và tỉ mỉ để mặt nạ căng mịn, không bị nhăn. Khi đã bồi đủ các lớp giấy, mặt nạ sẽ được lấy từ khuôn đem phơi khô dưới ánh nắng để có độ cứng.
 |
Từ những chiếc mặt nạ vô tri, qua bàn tay của người thợ đã được thổi hồn trở thành những món đồ chơi được con trẻ vô cùng yêu thích. |
Từ những chiếc mặt nạ vô tri, qua bàn tay của người thợ đã được thổi hồn trở thành những món đồ chơi được con trẻ vô cùng yêu thích.
“Hồn” của mặt nạ nằm ở đôi bàn tay tài hoa, uyển chuyển từng nét vẽ của người nghệ nhân. Ông Đông tâm sự: “Khi vẽ, người thợ phải dồn hết tất cả tâm hồn của mình để truyền vào mặt nạ. Trong cả quá trình vẽ, tay phải chắc không bị run, nếu không nét vẽ sẽ bị nhòe, thậm chí là bỏ đi nếu rơi một giọt sơn. Một chiếc mặt nạ được vẽ từ 5 đến 6 lớp sơn, mỗi lớp vẽ xong lại phải đi phơi khô mới tiếp tục vẽ”.
Mỗi dịp Tết Trung thu, gia đình ông Đông tất bật chuẩn bị từ tháng 9 âm lịch năm trước đến hết tháng 8 âm lịch năm sau để sơn và vẽ hoàn thiện. Trung bình có khoảng 10.000 chiếc mặt nạ giấy bồi được ông Đông cung cấp ra thị trường mỗi mùa Trung thu, mỗi chiếc mặt nạ có giá từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng.
Say mê, nặng lòng với nghề
Vất vả sớm hôm với nghề “lấy công làm lãi”, nhưng trên khuôn mặt của người nghệ nhân vẫn hiện rõ niềm hạnh phúc, ông Đông hài lòng với công việc của chính mình, lấy công làm lãi nhưng quan trọng nhất chính là gìn giữ hồn cốt dân gian của đất Việt.
Ông Đông trăn trở: “Với xu hướng phát triển của xã hội, làng nghề đang phải đối mặt với nguy cơ mai một, thất truyền. Việc gìn giữ và bảo tồn phát huy giá trị truyền thống đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với hội nhập quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện hơn.
 |
Những chiếc mặt nạ vui vẻ này đã đem lại tiếng cười sảng khoái cho bao nhiêu thế hệ độ trăng về. |
Nhà nước và địa phương cần phối hợp chặt chẽ, đưa ra những chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, trong đó, tập trung hỗ trợ rà soát, lập danh mục nghề, làng nghề cần bảo tồn lâu dài, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với phát triển văn hóa, du lịch; bảo tồn sản phẩm nghề, bảo tồn quan hệ xã hội làng nghề, không gian làm nghề truyền thống và các giá trị di sản văn hóa nghề như nhà thờ tổ nghề…”.
Chính niềm say mê, nặng lòng với nghề làm mặt nạ giấy bồi mà khoảng sân nhỏ 40m2 nhà ông Đông luôn tấp nập tiếng nói, tiếng cười của các bạn trẻ, các đoàn học sinh tới tham quan, trải nghiệm về ký ức tuổi thơ. Ông vui vẻ: “Thấy các đoàn học sinh, trẻ nhỏ về đây vui chơi, tìm hiểu về mặt nạ giấy bồi, tôi cảm thấy vui lắm, tự hào lắm. Dạy bọn trẻ làm, chơi cùng bọn trẻ tôi cũng thấy mình như được trẻ ra”.
Trong bối cảnh hội nhập, sản phẩm mẫu mã của mặt nạ giấy bồi đã được cải tiến, thu hút khách hàng, mang lại lợi nhuận nhưng vẫn giữ được cái hồn bản sắc dân tộc, vẹn nguyên nét truyền thống, để lại dấu ấn riêng khó phải mờ. Không chỉ ông Đông mà những nghệ nhân của ngôi làng trăm tuổi luôn tin rằng: “Chừng nào còn Trung thu, chừng đó trống làng Hảo, mặt nạ làng Hảo sẽ vẫn còn”.
Bài và ảnh: HỒNG PHÚC