Ông Võ Đại Hàm, 82 tuổi (cháu gọi Đại tướng là ông thúc bá) là người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý, trông coi Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơn 45 năm qua. Trò chuyện với chúng tôi, ông Võ Đại Hàm cho biết: "Nhà lưu niệm luôn mở cửa, phục vụ đồng bào, chiến sĩ cả nước và du khách nước ngoài đến tham quan; đông nhất là các dịp lễ, tết, kỷ niệm các sự kiện trọng đại của đất nước. Sau khi dâng hương tri ân Đại tướng, tham quan Nhà lưu niệm, du khách thường lưu lại để lắng nghe, tìm hiểu thêm về những câu chuyện đời thường, kỷ niệm tuổi thơ về Đại tướng".
 |
Cổng Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
 |
Ngôi nhà nằm giữa vườn cây xanh mát. |
Những năm gần đây, do tuổi cao, sức khỏe giảm sút nên ông Võ Đại Hàm có nhờ thêm ông Võ Xuân Hòa cùng trông coi, gìn giữ ngôi nhà và những kỷ vật gắn bó với tuổi thơ của Đại tướng.
Năm 1947, thực dân Pháp đánh chiếm huyện Lệ Thủy, chúng đã bắt cụ Võ Quang Nghiêm (thân sinh của Đại tướng) và đốt cháy thiêu trụi hoàn toàn ngôi nhà. Sau này, ngôi nhà 3 gian, 2 chái truyền thống “thượng chua, hạ gõ” (phần trên nhà được làm bằng gỗ chua, cột nhà làm bằng gỗ gõ), mái trên lợp ngói, mái hiên lợp bằng lá cọ được gia đình và chính quyền địa phương phục dựng lại trên nền đất cũ.
 |
Bên trong Nhà lưu niệm. |
Trong ngôi nhà gỗ này, gian giữa được đặt bàn thờ tổ tiên. Phía trên cùng có ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng là Võ Quang Nghiêm và Nguyễn Thị Kiên. Phía ngoài cùng là bàn thờ đặt tượng và di ảnh của Đại tướng. Các gian còn lại là phòng sinh hoạt của gia đình, phòng đọc sách và trưng bày một số hình ảnh hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong nhà còn có nhiều vật dụng của gia đình như tủ, bàn, giường, rương, cày bừa, cuốc, xẻng, chum, vại... được cất giữ rất cẩn thận cho đến ngày hôm nay. "Khi phục dựng, Đại tướng kiên quyết không cho dùng gỗ lim bởi làm vậy sẽ tạo tiền lệ không tốt cho việc chặt gỗ, phá rừng. Nhờ vậy Nhà lưu niệm được làm lại với các loại gỗ từ vườn trồng của quê hương huyện Lệ Thủy", ông Võ Đại Hàm chia sẻ.
 |
Ông Võ Đại Hàm kể về ngôi nhà và những năm tháng tuổi thơ bên gia đình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm trong khu vườn rộng khoảng 2.500m2. Phía sau vườn nhà có rất nhiều loài cây ăn quả như đào, táo, vú sữa, cây sâm đắng và nhiều loại cây ăn quả khác do đồng bào, chiến sĩ cả nước trồng tặng hoặc do chính tay Đại tướng trồng trong những lần về thăm quê. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là cây khế hơn 100 năm tuổi tỏa bóng mát quanh năm. Dưới gốc khế này, Đại tướng đã từng ngồi học bài và vui chơi với bạn cùng trang lứa. Chính nhờ cây khế mà ngôi nhà đã được phục dựng lại chính xác trên nền đất cũ. Anh Đoàn Khánh Trình (ở quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) lặng người xúc động: "Đây là lần đầu tiên tôi được ghé thăm Nhà lưu niệm. Ngôi nhà giản dị, đơn sơ như tính cách của Đại tướng. Thật khâm phục và kính trọng một vị tướng tài ba, lỗi lạc mà rất gần gũi, đời thường".
 |
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài hướng dẫn khách tham quan Nhà lưu niệm. |
 |
Du khách nước ngoài tham quan Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Trong lần về thăm quê hương (tháng 11-2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi em gái ruột Võ Thị Lài: “Cô Lài, cô thấy ngôi nhà này như thế nào?”. “Thưa anh! Ngôi nhà đã được phục dựng nguyên trạng mái nhà xưa của bố mẹ”. Nghe xong, Đại tướng rất xúc động, trực tiếp gặp gỡ, bắt tay cảm ơn lãnh đạo huyện nhà; cảm ơn những người thợ thi công và bà con làng xóm đã quan tâm tạo điều kiện để phục dựng lại ngôi nhà xưa, nơi lưu giữ lại những kỷ niệm của gia đình, người thân và ký ức tuổi thơ của Đại tướng.
 |
Du khách bên cây khế hơn 100 tuổi. |
Đến làng An Xá dịp này, ngoài ông Võ Đại Hàm và ông Võ Xuân Hòa, chúng tôi còn được gặp gỡ, trò chuyện với chị Nguyễn Thị Thu Hoài, cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thể thao và truyền thông huyện Lệ Thủy, người có gần 20 năm làm hướng dẫn viên tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chị Hoài cho biết, khoảng 1 tuần nay, nhân dịp kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung bình mỗi ngày có từ 500 đến 600 người đến dâng hương thành kính tri ân vị Đại tướng kiệt xuất, văn võ song toàn. "Với tôi, được giới thiệu, chia sẻ những câu chuyện cảm động về Đại tướng kính yêu với du khách trong và ngoài nước ngay tại mảnh đất quê hương giàu truyền thống cách mạng là niềm hạnh phúc, vinh dự, tự hào. Tình cảm của Đại tướng với nhân dân, của nhân dân với Đại tướng mãi mãi là động lực truyền cảm hứng để tôi cố gắng làm tốt hơn phần việc của mình, để Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là địa chỉ đỏ, là điểm đến văn hóa, lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau", chị Hoài xúc động chia sẻ.
Bài, ảnh: MINH TÚ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.