Ngay từ buổi đầu tiên gặp gỡ ở Thúy Hồ, Côn Minh, Trung Quốc tháng 6-1940, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhìn thấy ở đồng chí Võ Nguyên Giáp cốt cách cao đẹp của một con người yêu nước nồng nàn, một nhà báo, nhà giáo và sau này là một nhà quân sự, chính trị có tầm cao tư duy cùng một trái tim nhân văn cao cả. Còn với đồng chí Võ Nguyễn Giáp, “hình ảnh đồng chí Nguyễn Ái Quốc thật sự đã trở nên một hình ảnh trong lý tưởng, trong mơ ước” - “là hình ảnh rất rõ rệt của người thanh niên cách mạng đầy nhiệt tình và chí lớn”.
Ấn tượng đó có được từ những năm 1920 khi Võ Nguyên Giáp và các thanh niên yêu nước cùng thời như Nguyễn Chí Diểu, Phan Bôi, Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều) được chuyền tay nhau đọc quyển Bản án chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Ái Quốc.
Võ Nguyên Giáp kể: “Lần đầu tiên chúng tôi xem một quyển sách tố cáo thực dân, rất căm thù, rất kích động. Sau đó, lại nghe những chuyện ly kỳ, những chuyện tò mò luôn luôn có về Nguyễn Ái Quốc... khi Nguyễn Ái Quốc làm báo Người cùng khổ ở Pari;... những chuyện về Nguyễn Ái Quốc đã bôn ba rất nhiều nơi trên thế giới”[1]. Sự khâm phục và tin tưởng vào lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là tác nhân quan trọng, thổi bùng lên tinh thần và nhiệt huyết yêu nước trong con người Võ Nguyên Giáp. Từ giác ngộ cách mạng, Võ Nguyên Giáp đã xây dựng ý chí và quyết tâm đi theo con đường cách mạng vô sản mà Nguyễn Ái Quốc đã chỉ dẫn, nguyện cống hiến trọn đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Từ cuộc gặp đầu tiên, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đưa Võ Nguyên Giáp đến với nghiệp “võ”. Tháng 12-1944, Người giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trọng trách thành lập đội quân chủ lực đầu tiên. Ngày 22-12-1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam làm lễ thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Kể từ đây Võ Nguyên Giáp trở thành người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, lãnh đạo quân đội ta lập nên những chiến công vang dội trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên các đơn vị bộ đội đang diễn tập chiến đấu tại Sơn Tây, ngày 27-4-1957. Ảnh tư liệu |
Ngày 28-5-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ. Người trực tiếp đọc Sắc lệnh và phát biểu tại buổi lễ: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”. Sau buổi lễ, Người tâm sự với mọi người, đại ý: Hôm nay việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác cũng là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí. Chúng ta phải cố gắng, phải quyết giành được độc lập, tự do cho thỏa lòng những người đã mất [2]. Từ đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Việt Nam khi mới ở tuổi 37, là vị quân nhân đầu tiên được đặc cách phong quân hàm Đại tướng không qua các cấp trung gian. Điều này thể hiện tầm nhìn thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dùng người: Bác không chọn bất kỳ một nhà quân sự được đào tạo bài bản nào mà lại chọn đúng một thầy giáo dạy Sử, một sinh viên Luật học để cầm quân. Và cũng chính nhà giáo ấy đã lãnh đạo quân đội ta từ vỏn vẹn 34 chiến sĩ với trang bị vũ khí thô sơ trở thành một quân đội chính quy ngày càng hiện đại với những binh đoàn hùng mạnh ngày nay.
Tiếp thu nghệ thuật quân sự, truyền thống đánh giặc, giữ nước của cha ông và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu, chỉ huy các lực lượng vũ trang và quân đội ta, vận dụng sáng tạo phương pháp đánh du kích trong điều kiện mới. Đồng thời, chú trọng phát huy tinh hoa quân sự thế giới, lý luận quân sự Mác-Lênin để phát triển hình thái chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại với cách đánh giặc truyền thống của dân tộc.
Suốt cuộc đời binh nghiệp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ghi nhớ và làm theo những lời chỉ dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức người cán bộ cách mạng, đạo đức người làm tướng: “Mục tiêu độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước là bất biến, cần nắm vững, đó là nguyên tắc, đó là chiến lược. Trên cơ sở nguyên tắc ấy, sự bất biến ấy mà vận dụng sách lược, tùy tình hình cụ thể mà ứng phó”; “Làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng”... Việc dân, việc Đảng đặt lên trên hết, không nghĩ đến cá nhân”...
Gắn bó với Lãnh tụ Hồ Chí Minh trên những chặng đường cách mạng, gắn bó với tư tưởng Hồ Chí Minh trong suốt cả cuộc đời cho đến tận lúc ra đi về với Người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đánh giá là “một trong những học trò trung thành và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí là một trong số ít người có được cái nhìn sâu sắc và toàn diện nhất về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[3].
KIM YẾN
[1] Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb CTQG, H.2005, tập 1, tr.189-191
[2] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H.2016, t.4, tr.159
[3] Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc Việt Nam và bầu bạn quốc tế, Nxb. QĐND, H.2011, tr.5.