Được xây dựng trước năm 1853 ngay nhánh rẽ của dòng kênh Đôi, đình Bình Đông là điểm đến quen thuộc của người dân trong vùng, các tỉnh lân cận và của nhiều du khách khi đến thành phố. Ban đầu, đình chỉ là ngôi nhà lá, dùng làm nhà làng cho dân cư quanh vùng tới hội họp và cúng bái.

Trải qua nhiều lần trùng tu, đến năm 1991, đình được xây dựng lại với kết cấu bằng nguyên vật liệu nặng nhưng vẫn giữ nét kiến trúc tổng thể. Năm 2017, cây cầu bê tông bắc qua dòng kênh này được khánh thành, đưa vào sử dụng giúp người dân và du khách qua lại thuận lợi hơn.

leftcenterrightdel

Đình Bình Đông nằm yên bình bên dòng kênh Đôi. 

Khách đến tham quan, chiêm bái các hạng mục văn hóa tín ngưỡng trong đình, như: Võ ca và Chánh điện nằm giữa; hai bên có Đông và Tây lang, bên cạnh là nhà Nghĩa Từ. Khoảng sân đình rộng được trồng nhiều cây xanh với 3 cổng vào đều hướng ra bờ kênh. Cổng chính được xây dựng theo kiểu tam quan, nóc đình là "lưỡng long tranh châu" thường xuất hiện trong các kiến trúc đình, chùa của người Việt. Trước Chánh điện là nhà Võ ca-nơi diễn ra các hoạt động văn hóa-văn nghệ trong những dịp lễ hội của đình... Chánh điện có kiến trúc truyền thống với các gian thờ, hoành phi, câu đối. Nơi thờ cúng trong Chánh điện còn lưu giữ các hiện vật cổ như: Khám thờ Thần, Tả Hữu ban, Hội đồng, bộ bát bửu.

Đình Bình Đông là công trình ghi dấu ấn lịch sử quan trọng của dân tộc, là địa điểm hoạt động của Công hội bí mật Sài Gòn-tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập vào năm 1920. Tại đây, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã chỉ đạo nhiều hoạt động của Công hội. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đình Bình Đông là nơi liên lạc, chuyển vũ khí vào nội thành và cũng là nơi bộ đội miền Nam đặt súng bắn vào Tòa hành chính quận 7 của chế độ cũ năm 1968.

Trong những năm gần đây, đình Bình Đông được đưa vào danh sách điểm đến hấp dẫn của du lịch tín ngưỡng trong các tour sông nước. Cùng với sự quan tâm và đầu tư của các ngành chức năng thành phố đối với những di tích lịch sử và địa điểm văn hoá dọc theo các bờ sông, kênh, rạch, đình Bình Đông là địa điểm thu hút ngày càng nhiều khách tham quan. Đình còn là địa điểm sinh hoạt, học tập của các tổ chức đoàn thể, công nhân, thanh thiếu nhi trong và ngoài thành phố về Bác Hồ-Bác Tôn; về truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Việt Nam; truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.

Bài và ảnh: VŨ MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.