Đúng như tên gọi, “Live Studio Session” là sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam thực hiện với công nghệ thu âm đĩa than trực tiếp trong nước (nếu trước đây các ca sĩ Việt phải qua Mỹ để thực hiện đĩa than thì nay Phạm Thu Hà tiên phong thực hiện đĩa than tại Việt Nam với ê kíp toàn người Việt), bao gồm 20 ca khúc nổi tiếng của những tên tuổi lớn như: Nguyễn Văn Tý, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Đức Trí, Đỗ Bảo, Bảo Chấn, Quốc Bảo...

Phạm Thu Hà chia sẻ: “Tôi luôn muốn khẳng định nghệ sĩ cổ điển không hề khó gần, hát cổ điển không khó nghe như mọi người vẫn mặc định. Mong muốn lớn nhất của ê kíp là để sản phẩm lần này tới gần hơn với công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ, giúp họ cảm nhận được trọn vẹn cái đẹp của âm nhạc cổ điển”.

leftcenterrightdel
Phạm Thu Hà thường chọn phong cách sang trọng, chỉn chu mỗi lần lên sân khấu.Ảnh: ĐỖ NAM 

Trong liveshow diễn ra tối đầu xuân 2023 tại không gian cổ kính của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nữ ca sĩ đằm thắm, sang trọng trình diễn, đưa khán giả hòa vào những tình khúc lãng mạn, quen thuộc như: “Phố mùa đông” (Bảo Chấn); “Ru tình”, “Hoa vàng mấy độ” (Trịnh Công Sơn); “Như chưa bắt đầu” (Đức Trí); “Biết mãi là bao lâu” (Đỗ Bảo)... kết hợp công nghệ thu âm đĩa than trực tiếp, với sự tham gia cùng lúc của 4 bộ phận: Âm thanh, hình ảnh, dàn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn. Ê kíp sáng tạo bao gồm những cái tên quen thuộc là đạo diễn âm nhạc Nguyễn Tuấn Nam, đạo diễn âm thanh Nguyễn Duy Nghĩa, đạo diễn hình ảnh Đỗ Hồng Sơn, dàn nhạc Namjazznight Chamber Orchestra gồm những nghệ sĩ nhạc cụ xuất sắc tại Việt Nam, những người từng học tập và làm việc với Phạm Thu Hà tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, như: Nghệ sĩ violon Nguyễn Ngọc Hoan, nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc, nghệ sĩ percussion Phan Cường... “Chúng tôi từng sống cùng trong ký túc xá, trải qua những ngày tháng tuổi trẻ cùng nhau, với cùng một khao khát chinh phục đỉnh cao âm nhạc. Bởi sự thấu hiểu ấy, chúng tôi dễ dàng làm việc và kết hợp với nhau hơn, dễ dàng cộng hưởng cảm xúc để thăng hoa trong chương trình biểu diễn. Ở chương trình, tôi mong muốn cho công chúng thấy vẻ đẹp của dòng nhạc giao hưởng, sự lao động nghệ thuật của những nhạc công”, Phạm Thu Hà cho hay.

Nữ ca sĩ có hành trình âm nhạc bắt đầu từ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp cao học, Phạm Thu Hà đã có cơ duyên gặp nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, hai nhạc sĩ tài năng trên thị trường âm nhạc Việt Nam đã đặt cho Phạm Thu Hà những viên gạch đầu tiên trên con đường trở thành ca sĩ hát nhạc thính phòng cổ điển giao thoa. Đây là dòng nhạc sang trọng nhưng vẫn có sự giao thoa với các dòng nhạc thị trường hiện tại. Trong nhiều dự án âm nhạc khác, nữ ca sĩ cũng may mắn gặp được những nhạc sĩ khác như  Trần Thanh Phương, Đức Trí, Lưu Hà An... Nhờ những người anh nhạc sĩ mà cô có được nhiều sản phẩm chất lượng, nuôi dưỡng đam mê để tiến tới thành công như hôm nay. 

Phạm Thu Hà tâm sự thêm rằng, khi xác định theo đuổi con đường âm nhạc bán cổ điển, cô biết đó là một con đường rất khó khăn, đòi hỏi người nghệ sĩ phải rất kiên định, quan trọng hơn là phải đủ tỉnh táo để khi đứng trước mọi cám dỗ vẫn có thể vững vàng. Các dòng nhạc khác có thể kiếm tiền nhiều hơn, được nhiều khán giả yêu thích hơn, nhưng nếu người ca sĩ để lạc mất “cái chất” của mình, hát quá nhiều dòng nhạc khác nhau sẽ không còn có cái riêng nữa. 

Làm nghệ thuật và mỗi khi đứng trước khán giả, Phạm Thu Hà luôn nhớ lời dạy của cố NSND Trung Kiên-người thầy đáng kính không chỉ dìu dắt cô trên con đường nghệ thuật mà còn dạy cách sống đẹp và đạo đức làm nghề của một nghệ sĩ chân chính.

CHÂU XUYÊN