Nghệ sĩ Quý Thăng sinh năm 1952 tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Sớm bén duyên với âm nhạc, ông được chọn vào Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc và sau đó được cử đi tập huấn nghiệp vụ tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Cũng trong thời gian này, ông là cộng tác viên thân thiết của chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Cùng với các nghệ sĩ khác, giọng hát của ông đã trở nên quen thuộc, gần gũi với những thính giả yêu mến dân ca quan họ.
 |
Nghệ sĩ Quý Thăng (thứ hai, từ trái sang) trong một sự kiện văn nghệ tại tỉnh Trà Vinh.Ảnh nhân vật cung cấp. |
Năm 1984, Nguyễn Đăng Thăng trúng tuyển vào hệ đại học chuyên ngành Thanh nhạc dân tộc, Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam (nay là Viện Âm nhạc Việt Nam) và nghe lời khuyên của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước để chuyển vào học ở Phân viện 2 tại TP Hồ Chí Minh dưới sự hướng dẫn của những nhạc sĩ, nghệ sĩ tài năng, như: Tô Vũ, Lê Thương, Mai Khanh, Kiều Hưng... Đến năm 1998, khi nhận thấy nhu cầu người học quan họ tại TP Hồ Chí Minh càng lớn, ông đã thành lập Câu lạc bộ quan họ Mười Nhớ. Để giữ gìn nguyên gốc quan họ, nhiều lần ông đã lặn lội về quê để tìm áo the, khăn mỏ quạ, học cách têm trầu, vấn khăn và tìm hiểu làn điệu quan họ cổ. Không chỉ thường xuyên tham gia các hội diễn lớn ở TP Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Quý Thăng còn trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn, thậm chí nuôi ăn, ở miễn phí cho những người yêu quan họ đủ mọi lứa tuổi trong xã hội.
Đến nay đã có hàng trăm học viên trưởng thành từ “lò” đào tạo Mười Nhớ và họ đang ngày ngày đem theo lời ca, tiếng hát quan họ cùng văn hóa người Kinh Bắc đi quảng bá khắp các tỉnh, thành phố phía Nam. Giữa thành phố mang tên Bác, làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm của những liền anh, liền chị đã len lỏi và có chỗ đứng vững chắc trong đời sống tinh thần của người dân. Đặc biệt từ sự lan tỏa của Mười Nhớ, hiện nay đã có hàng chục câu lạc bộ đàn và hát quan họ được thành lập ở TP Hồ Chí Minh cũng như ở các tỉnh lân cận, như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng...
Đánh giá về những nỗ lực của nghệ sĩ Quý Thăng trong việc gìn giữ và bảo tồn dân ca quan họ, nhạc sĩ Dân Huyền, nguyên Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam nhận định: “Việc đem quan họ vào phương Nam là công việc vô cùng khó khăn, vất vả, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của nghệ sĩ Quý Thăng. Câu lạc bộ quan họ Mười Nhớ nhiều năm nay xứng đáng là “cánh tay nối dài” của dân ca quan họ Bắc Ninh trên đất phương Nam, là “anh cả” của các câu lạc bộ quan họ phía Nam”. Còn Nghệ sĩ Ưu tú Quý Tráng, nguyên Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh thì khẳng định: “Nghệ sĩ Quý Thăng đã làm được việc mà nhiều người không làm được. Ở ông có lòng say mê, sự nhiệt huyết và đầy sự trách nhiệm với quê hương, với dân ca quan họ”.
NGÔ KHIÊM