Cùng vượt khó
Trong những ngày giãn cách do dịch Covid-19, Nguyễn Hữu Thắng, học viên Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Quân đội phải thích nghi với chuyện học thanh nhạc online. Thay vì đến trường, Thắng luyện thanh qua chiếc điện thoại-thiết bị công nghệ duy nhất Thắng có tại phòng trọ để tiếp tục việc học qua mùa dịch. Mỗi buổi, sinh viên được gửi một mã vào ứng dụng Google Meet, nơi có giáo viên nghe học trò hát để sửa những thiếu sót về kỹ thuật của họ.
 |
Học viên Khoa thanh nhạc học online với thầy qua điện thoại. |
Trải qua một năm học trong điều kiện dịch, sự thích ứng của thầy và trò ngành nghệ thuật đã linh hoạt hơn. Những phương pháp lý thuyết bình thường được thực hiện ngay trên lớp, thầy chỉ tới đâu, học trò làm tới đó, còn học online thầy chỉ ra các bước đi, học trò tự vận dụng, mày mò học. Việc tự học gần như gấp đôi bình thường. Hữu Thắng chia sẻ: “Học online rất khó để người dạy và người học hiểu ý nhau. Thầy, trò “vênh nhau” là chuyện thường xuyên, có khi thầy đánh đàn trước, trò hát sau hoặc ngược lại, sự tương tác giảm rất nhiều. Những lúc thầy thị phạm, nghe âm thanh qua loa điện thoại rất khó để hình dung ra được”. Khắc phục những rào cản này, Thắng trang bị thêm bộ đèn, dùng điện thoại quay clip gửi thầy. Thầy sẽ chỉ ra tư thế, kỹ thuật nào sai, từ đó, cả hai người cùng rút kinh nghiệm để những bài giảng sau hiệu quả hơn.
Với Nguyễn Trung Hiếu, sinh viên Khoa Quản lý VHNT, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, đã lâu không được luyện tập trên studio cùng nhóm vũ đạo. Để tránh kiến thức bị mài mòn, Hiếu đưa ra thời khóa biểu để tự luyện vũ đạo tại nhà.
Dạy nghệ thuật trực tuyến có lẽ là một trong những môn học khó hơn các ngành khác, Thiếu tá, QNCN Lê Xuân Hảo, giảng viên Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học VHNT Quân đội cho biết: “Nếu sóng điện thoại và phần mềm học trực tuyến ổn định thì thầy còn nghe được học sinh hát, nhưng độ vang của âm thanh phát qua điện thoại hay máy tính rất khó để giáo viên chỉnh được cho học sinh. Tiếng vang, độ nảy và âm sắc của giọng hát khi qua điện thoại khác bên ngoài rất nhiều, kể cả phần tình cảm, cũng như cách xử lý của học sinh lúc âm thanh lên bổng xuống trầm. Những điều ấy khi dạy online bị mất đi không ít khiến sự nhìn nhận, đánh giá chính xác ngay trong lúc truyền đạt kiến thức của giảng viên đối với sinh viên khó khăn hơn rất nhiều”.
Muôn cách “giữ lửa”
Trước khó khăn do dịch Covid-19, nhiều trường, khoa nghệ thuật luôn khuyến khích sinh viên sáng tạo những sản phẩm nghệ thuật đăng trên các kênh cá nhân như một cách trải nghiệm, mài giũa thêm chuyên môn và kỹ năng của mình. Theo Nghệ sĩ Ưu tú, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Trưởng Khoa âm nhạc, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP Hồ Chí Minh, chất lượng dạy trực tuyến ngành nhạc chỉ ở mức cơ bản, không thể bằng trực tiếp. Tùy vào đặc thù từng môn, nhà trường quyết định học online hay không. Để "giữ lửa" cho học trò, khoa vẫn chủ động kèm sinh viên qua phần mềm trực tuyến ở một số môn và khuyến khích các em có những sản phẩm sáng tạo, dự án âm nhạc phục vụ cộng đồng. Số khác như môn vũ đạo cần tập luyện tập thể, hay môn ký xướng âm yêu cầu sự tỉ mỉ... đều buộc tạm dừng chờ qua dịch.
Với kinh nghiệm hai năm triển khai dạy các môn nghệ thuật trực tuyến, PGS, TS Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương cho biết: "Bên cạnh những ngành học khác, trường có gần 10 ngành đào tạo trình độ đại học chuyên về nghệ thuật, tất cả đều tổ chức dạy học online. Qua giai đoạn đầu khó khăn, việc học online các môn học dần vận hành trơn tru. Trước đó, trường đã có nhiều buổi tập huấn công nghệ thông tin cho giảng viên, giúp họ làm quen với các phần mềm học trực tuyến. Bên cạnh đó, trường khuyến khích giảng viên và sinh viên tự nâng cấp thiết bị phục vụ hoạt động học tập online. Những giảng viên nào không đủ điều kiện, có thể dùng trang thiết bị ở trường để dạy. Kể cả các môn học liên quan đến vũ đạo, sinh viên vẫn có thể học online tại nhà. Các em chủ yếu hướng đến những bài học mang tính cá nhân. Tuy ngành nghệ thuật học trực tuyến khá vất vả nhưng cũng có nhiều tình huống, câu chuyện vui, khiến mọi người cảm thấy thoải mái, thích ứng với hình thức học đó. Giúp sinh viên có sân chơi với nghề, từ đầu năm tới nay, nhà trường đã phối hợp cùng Vụ Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức hai chương trình nghệ thuật theo hình thức livestream. Sinh viên rất hào hứng và có động lực tập luyện hơn để đóng góp vào hoạt động này".
Trước thách thức rất lớn với yêu cầu phát triển, đổi mới giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh, các ngành học đặc thù đang từng bước tìm ra lối đi, thích ứng cho riêng mình. Năm học mới 2021-2022 đang tới gần, mỗi sự linh hoạt, sáng tạo trong cách dạy và học đều thể hiện sự chủ động, tầm nhìn của các cơ sở giáo dục.
Bài và ảnh: KHÁNH HÀ
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP