Đến với chương trình, Ban ĐCTT TP Hồ Chí Minh biểu diễn 5 tiết mục, gồm: Xuân về hoa nở (Bình bán vắn và Kim tiền Huế), Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh (20 câu Nam xuân), Sắc xuân (21 câu Ngũ đối hạ), Dáng chèo sông Hậu (vọng cổ nhịp 32) và Trên bến dưới thuyền (ca ra bộ). Các tiết mục này đều được chọn lọc, chuẩn bị và biểu diễn xuất sắc tại buổi giao lưu. Theo Nghệ nhân Nhân dân Thanh Tuyết, người có hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật ĐCTT, chia sẻ: “Mỗi chương trình có yêu cầu, đòi hỏi khác nhau và đối tượng thưởng thức cũng khác nhau. Biểu diễn phục vụ công chúng ở thủ phủ ĐCTT lại càng phải chỉn chu, chuẩn mực hơn. Chúng tôi tham gia chương trình bằng tình cảm, lòng yêu nghề và trái tim nhiệt huyết cống hiến cho khán giả; đồng thời giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá loại hình ĐCTT đến với người dân và du khách thập phương”.

Đờn ca tài tử được biểu diễn phổ biến ở nhiều chương trình, sự kiện tại TP Hồ Chí Minh. 

Những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm phát triển loại hình nghệ thuật ĐCTT. Thành phố đã xây dựng nên một môi trường mà ở đó, các nghệ nhân có thể giao lưu, biểu diễn và quan trọng nhất là sống được với nghề. ĐCTT có mặt ở mọi không gian sinh hoạt cộng đồng, từ ngoại thành cho đến công viên, trường học, khu du lịch sinh thái... Đây cũng là một trong những tiết mục được lựa chọn biểu diễn ở nhiều sự kiện văn hóa lớn của thành phố. Các chương trình giải trí như: Tìm kiếm giọng ca và ngón đờn tài tử, Tài tử cải lương, Vầng trăng cổ nhạc... đến các câu lạc bộ, đội nhóm giao lưu, sinh hoạt biểu diễn ĐCTT ở các quận, huyện, trung tâm văn hóa... đã tạo thuận lợi cho ĐCTT phát triển “nở rộ”, trở thành món ăn tinh thần ngày càng được nhiều người yêu thích.

Tuy nhiên, để ĐCTT tiếp tục phát triển mạnh mẽ, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, bảo tồn và đầu tư thỏa đáng cho loại hình nghệ thuật độc đáo này. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, giao lưu, nhiều đề án phát triển ĐCTT đã được tổ chức, thực hiện ở các cấp, các ngành tạo ra môi trường, diện mạo mới cho ĐCTT. Theo Thạc sĩ văn hóa Phạm Thái Bình, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, việc “ươm mầm”, bồi dưỡng nguồn cho nghệ thuật ĐCTT là nhiệm vụ quan trọng để tiếp tục phát triển loại hình nghệ thuật này tại TP Hồ Chí Minh...

Bài và ảnh: HUY NAM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.