Đó là Phạm Tuyên, người nhạc sĩ tài hoa được giới chuyên môn ví là người “viết sử bằng âm nhạc”.

Bước lên những bậc cầu thang nhỏ dẫn lên tầng 3 khu tập thể cũ trong ngõ 32 phố Vạn Bảo (quận Ba Đình, TP Hà Nội), trước cửa nhà, trên bức tường sơn màu vàng nhuốm màu thời gian ghi rõ tên Phạm Tuyên. Bấm chuông, cô giúp việc hé cửa nói: “Hôm nay ông mệt lắm, khó tiếp chuyện được”. Nhưng bên trong nhà, tiếng nhạc sĩ Phạm Tuyên vọng ra: “Tôi hẹn với nhà báo rồi, cô cứ mời khách vào!”.

Vẫn là căn phòng khách nhỏ với cây đàn piano đặt ngay ngắn, xung quanh 4 bức tường chỉ trừ 3 cánh cửa, còn lại là những tủ sách, xen lẫn các bức ảnh và kỷ vật quý giá của gia đình. Tiết trời tháng 4 chuyển mùa khiến nhạc sĩ Phạm Tuyên càng khó thở hơn vì bệnh hen. Nhiều năm nay ông bị khô một bên phổi.

Nói bằng giọng khó nhọc, nhạc sĩ bần thần: “Năm nay tôi 93 tuổi rồi đấy, những người cùng thời như nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân... đã đi xa từ mấy năm trước rồi”.

Ở tuổi 93, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn dành những giờ phút thư giãn bên nốt nhạc, phím đàn. Ảnh: CHÂU XUYÊN 

Cô giúp việc như không yên tâm với sức khỏe của nhạc sĩ, ngồi “canh” kế bên, thi thoảng nhắc: “Ông nói chậm thôi, không lại khó thở!”. Cô kể, nhạc sĩ dạo này ăn ít, không ngủ được nhiều, mỗi ngày chỉ chợp mắt vài tiếng. Tuổi cao nhưng mắt ông vẫn tinh tường, ông đọc sách không cần đeo kính, vẫn theo dõi tin tức thời sự trên ti vi hoặc đài phát thanh.

Đặc biệt, ông không bỏ qua bất kỳ trận đấu nào của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Nhắc đến bóng đá, mắt nhạc sĩ rạng ngời, giọng tự hào: “Khi đội bóng đá nữ chiến thắng đã nắm tay nhau hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/... Việt Nam Hồ Chí Minh...”, tôi vui lắm. Như thế là tác phẩm của mình có sức sống lâu bền với thời gian”.

“Như có Bác trong ngày đại thắng” chính là cảm xúc reo vui của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ca khúc dường như đã có sẵn trong niềm ước mơ cháy bỏng, niềm tin mãnh liệt của tác giả vào ngày toàn thắng, chỉ còn đợi đến giây phút thiêng liêng là ùa ra và cộng hưởng với triệu triệu niềm vui của nhân dân trên mọi miền Tổ quốc.

Nhạc sĩ kể, thời điểm ấy, 21 giờ 30 phút ngày 28-4-1975, khi nghe bản tin thời sự loan báo Nguyễn Thành Trung, Trung úy phi công ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất, niềm xúc động dâng trào với linh cảm chẳng còn bao lâu nữa miền Nam sẽ được giải phóng. Đêm hôm ấy, trên tay cầm mẩu giấy và chiếc bút chì, nhạc sĩ ra đứng ở cầu thang, ở đó chỉ có một đèn chiếu sáng, ngoài trời mưa nhỏ nhưng mau hạt, ông cứ đứng đó ghi xong cả giai điệu và lời ca của bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng”.

Những ý tứ: Cả cuộc đời gắn bó với nhân dân, với đất nước, sống với lý tưởng cao đẹp, một cuộc đời không ngừng phấn đấu vươn lên, khổ đau và hy vọng để bây giờ có thể hát lên: “Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông!”.

Chiều 30-4-1975, tất cả anh chị em Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam cùng một số anh chị em bên đoàn giao hưởng hợp xướng tập hợp tại phòng thu thanh của đài để dàn dựng và thu ngay ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Tất cả đều phấn chấn. Chưa có một bài hát nào được dàn dựng, thu thanh và phát sóng với tốc độ nhanh như vậy. Cũng chưa có một bài hát nào mà khi tập thì cả người hát, người đệm đàn, người dàn dựng, người thu thanh đều rưng rưng, nước mắt hòa trong tiếng cười, niềm vui vì ngày đại thắng!

Những ai nghe bài hát một lần cũng đều nhập tâm điệp khúc “Việt Nam Hồ Chí Minh”. Đây chính là niềm khát vọng, là tiếng nói từ trái tim của mỗi người trong ngày vui đại thắng. Hầu hết người Việt Nam những ngày này ai cũng tưởng nhớ tới Bác Hồ, lúc sinh thời Người đã nói: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. 17 giờ ngày 30-4-1975, cả dân tộc ta mừng vui đến nghẹt thở khi nghe tin đại thắng, được trịnh trọng tuyên bố trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, cùng với tiếng hát lạc quan, hào hùng mà tràn đầy xúc động của bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ, sự ra đời của bài hát cũng đáng ghi nhớ vì đã gặp được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Sau này, bài hát được vang lên trong nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu với bạn bè quốc tế; được hát ở nhiều nước, như: Nga, Đức, Cu Ba, Nhật Bản... Trong bài viết “Phạm Tuyên-Người nhạc sĩ của nhân dân”, đăng trong cuốn “Những người lao động sáng tạo của thế kỷ”, tác giả Diệu Ánh đã viết: “Bài hát là thông điệp hòa bình, là niềm kiêu hãnh, lạc quan của dân tộc, là lời hiệu triệu, là niềm tin vào tất thắng của chính nghĩa.

Bài hát ngân nga mãi trong lòng mọi người, là nhịp cầu nối hai miền đất nước, giữa các quốc gia đã từng yêu mến và ủng hộ Việt Nam đấu tranh cho thống nhất và hòa bình”. Ca khúc thường được trình bày dưới dạng ca khúc quần chúng, nhưng cũng được thể hiện ở thể loại hợp xướng huy hoàng vang vọng đến trái tim mọi người.

Từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” phổ biến tới mức mà mọi người, từ em bé tới các cụ già, ai cũng thuộc lòng. Người ta hát khi gặp nhau, hát lúc giã bạn. Có một chuyện thật cảm động, đó là sau ngày giải phóng miền Nam chừng chục năm, nhạc sĩ Phạm Tuyên về thăm Tây Ninh, nơi có Chiến khu Đ nổi tiếng.

Trong một cuộc gặp với bà con địa phương, bỗng nhiên có một bé gái khoảng 10 tuổi đến khoanh tay trước mặt ông mà nói: “Con cảm ơn bác vì bác đã đặt tên cho con”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên rất ngạc nhiên. Chuyện là, sau ngày giải phóng miền Nam, đồng chí Bảy Nứ (tức Trần Văn Nứ) được điều động đi công tác đúng vào thời gian vợ chuẩn bị sinh con. Khi chia tay, vợ của đồng chí hỏi chồng khi sinh con thì đặt tên con là gì, Bảy Nứ suy nghĩ một hồi rồi nói: “Nếu là con trai thì đặt tên là Đại Thắng, là con gái thì em cứ hát bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”, lần theo lời bài hát nếu gặp chữ gì hay, phù hợp với con gái thì đặt tên con bằng chữ ấy”. Người vợ sinh con gái, theo lời chồng, chị hát nhẩm bài hát, đến câu “Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng”.

Như bắt được vàng, người vợ lấy ngay chữ Huy Hoàng đặt tên cho con. Cháu bé tên Huy Hoàng thông minh, hồi học lớp 5 đoạt giải ba cuộc thi học sinh giỏi môn Văn toàn quốc, sau này tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và về Tây Ninh làm cán bộ ngân hàng của tỉnh.

Bài “Như có Bác trong ngày đại thắng” cũng thường xuyên vang lên tại các sân vận động để cổ vũ đội tuyển Việt Nam; nhất là trong những trận đấu bóng đá mỗi khi đội tuyển ghi bàn thắng, người ta đổ ra đường đông nghịt với lá cờ đỏ sao vàng hòa cùng tiếng hát bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”, như tiếng reo vui của lòng mình một cách thật tự nhiên trước một thắng lợi to lớn.

Sở dĩ ca khúc đi vào lòng người, có sức sống bền lâu trong tâm hồn hàng triệu người nghe, theo các nhà lý luận phê bình âm nhạc là bởi vừa mang tính khái quát lại vừa mang tính cụ thể. Ca khúc đã nói lên tầm vĩ đại cuộc đấu tranh oanh liệt của cả dân tộc Việt Nam; đồng thời lại nói được một cách cụ thể, một thời kỳ lịch sử 30 năm giành toàn vẹn non sông, vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho hay, viết nên mỗi tác phẩm âm nhạc, điều ông quan tâm là sức sống của nó. Với ông, âm nhạc đến tự nhiên như hơi thở cuộc sống, và mạch nguồn cảm xúc để ông cho ra đời những đứa con tinh thần ấy luôn đến từ những điều giản dị nhất.

Âm nhạc đã đi vào máu thịt của nhạc sĩ Phạm Tuyên, để rồi bây giờ ở tuổi 93, nhạc sĩ vẫn luôn trăn trở với đời sống âm nhạc nước nhà: “Tôi luôn luôn muốn động viên lực lượng sáng tác trẻ, hãy viết nhiều hơn tác phẩm cho thiếu nhi. Nên hiểu rằng âm nhạc có mấy chức năng cao quý, một là chức năng động viên, giáo dục người ta; hai là chức năng giải trí, thì gần đây các tác giả có phần đề cao quá, tập trung quá vào chức năng giải trí, cho nên những bài hát đấy chỉ một thời gian người ta quên thôi, nó không gắn bó với đất nước”.

VƯƠNG HÀ