Nhân dịp này, Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã phỏng vấn nhà biên kịch Minh Nguyệt, tác giả kịch bản của bộ phim.

Phóng viên (PV): Xuất phát từ cảm xúc nào, chị đã viết kịch bản phim truyện điện ảnh "Bình minh đỏ"?

Nhà biên kịch Minh Nguyệt: Tôi có may mắn được gặp cô Nguyệt Ánh, một trong những chiến sĩ lái xe của Trung đội nữ lái xe Trường Sơn, được nghe cô kể chuyện và tặng cuốn hồi ký của trung đội; sau khi đọc xong thì trong lòng tôi dâng lên rất nhiều cảm xúc.

leftcenterrightdel
Nhà biên kịch Minh Nguyệt.

Hình ảnh nữ lái xe xung phong qua ngầm để kích bom từ trường nổ, mở lối cho cả đoàn xe chở hàng ra chiến trường đang bị ách lại dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù; xe vượt đèo trong đêm tối mà chỉ có một mình giữa rừng cây cháy ngổn ngang; đặc biệt là hình ảnh của một nữ lái xe đã cuống cuồng chạy theo dòng nước, vừa chạy vừa khóc, để vớt những thi thể liệt sĩ được đưa về từ chiến trường Lào, bị trúng bom làm xe lật nghiêng và thi thể rơi xuống sông… để lại trong tôi sự xúc động sâu sắc.

Lần theo từng dòng trong trang hồi ký; nghiên cứu từng chi tiết chiến trường của mỗi người; sau đó xem thêm các cuốn sách, tài liệu, phim ảnh có liên quan; tìm gặp các cô đang sống ở Hà Nội để nghe kể chuyện… từ đó, tôi đã xây dựng thành các nhân vật cho kịch bản.

Trước khi phim khởi quay, Hội Điện ảnh Việt Nam và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã mời các cô trong Trung đội nữ lái xe Trường Sơn đến kể chuyện cho toàn bộ ê kíp làm phim nghe; truyền cảm hứng để "Bình minh đỏ" thêm chân thực và xúc động.

leftcenterrightdel
Một cảnh về các nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn trong phim.

Phóng viên (PV): Là một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam từng có thời gian hơn 20 năm trong quân ngũ, phải chăng chị đã tìm được sự đồng cảm với những nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn để hình thành nên tác phẩm điện ảnh này?

Nhà biên kịch Minh Nguyệt: Có lẽ là như vậy. Tôi luôn luôn có một tình cảm đặc biệt lớn lao đối với quá khứ, với những người có công với Tổ quốc. Sự vất vả, hy sinh đối với nam giới nơi chiến trường đã là khôn tả, đối với nữ giới lại càng khó đo đếm hơn nhiều. Vì vậy, sự xuất hiện của những nữ lái xe Trường Sơn cũng như những nữ thanh niên xung phong, nữ ngành y nơi chiến trường đầy bom đạn càng giống như những bông hoa đẹp, truyền thêm năng lượng cao quý cho cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

"Bình minh đỏ" là lời tri ân của toàn bộ ê kíp làm phim đến những nữ chiến sĩ anh hùng của Trung đội nữ lái xe Trường Sơn mang tên nữ Anh hùng Nguyễn Thị Hạnh năm xưa. Phấn khởi nhất là sau khi xem phim, nhiều cô xúc động khi thấy lại hình ảnh của mình. Tôi nghĩ đó là sự thành công lớn nhất của bộ phim.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh các đoàn xe do các nữ chiến sĩ lái băng qua bom đạn được tái hiện trong phim.

PV: Chị có kỷ niệm gì với đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân trong quá trình làm bộ phim này?

Nhà biên kịch Minh Nguyệt: Tôi còn nhớ cảm xúc lần đầu khi được nghe anh Thanh Vân gọi điện cho mình, thông báo về việc anh muốn làm phim "Bình minh đỏ". Trong lòng tôi rất đỗi vui mừng vì tiếng tăm và uy tín làm phim của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thì ai cũng biết. Sau đó, vài lần, anh em gặp gỡ và thảo luận để kịch bản có thêm chiều sâu, tôi nhận thấy, anh là đạo diễn giỏi, giàu sáng tạo và cũng rất tôn trọng biên kịch; tôi càng thêm quý trọng anh về kinh nghiệm và tính nghiêm túc trong nghề nghiệp; tôi nghĩ mình thật may mắn.

PV: Cảm nhận của chị về các diễn viên khi hóa thân vào những nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn?

Nhà biên kịch Minh Nguyệt: Tôi được biết, trước khi nhập vai, các diễn viên trẻ đã được đạo diễn cho đi học lái xe gần 2 tháng để rèn luyện những kỹ năng cầm vô lăng, đạp côn, phanh... Các diễn viên rất háo hức và nhiệt tình tham gia. Thành quả là khi vào vai, những cảnh lái xe trên chiến trường các em đều thao tác khá thành thạo; hầu hết các vai diễn đều để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả.

PV: Xin chị cho biết, trong phim có giữ nguyên cốt truyện về cuộc đời thực của các nữ lái xe Trường Sơn không? Theo chị, khó nhất khi làm phim chiến tranh là gì?

Nhà biên kịch Minh Nguyệt: Khá nhiều chi tiết trong bộ phim bám sát hồi ức của Trung đội nữ lái xe Trường Sơn Nguyễn Thị Hạnh và có một số chi tiết khác thì được nghe các cô kể lại.

Tôi nghĩ rằng, khó nhất khi làm phim về chiến tranh là làm sao để bộ phim thể hiện được tính chân thực của lịch sử; hơn nữa, bộ phim phải mang âm hưởng chất anh hùng ca để khi xem phim, thế hệ trẻ cảm nhận được sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh, trân trọng quá khứ và sống xứng đáng hơn với lịch sử dân tộc.

Tôi cũng rất mong muốn, xem phim lịch sử sẽ trở thành một trong những hoạt động thường xuyên trong các trường phổ thông trung học, đại học, dạy nghề để các em được thấu hiểu quá khứ; vun đắp lý tưởng, bồi dưỡng ý chí và bản lĩnh tốt đẹp của người Việt Nam.

PV: "Bình minh đỏ" có phải là bộ phim truyện điện ảnh đầu tiên của chị và chị có dự định tiếp tục theo đuổi dòng phim chiến tranh không?

Nhà biên kịch Minh Nguyệt: "Bình minh đỏ" là bộ phim điện ảnh đầu tiên về chiến tranh của tôi. Tôi nghĩ rằng, mình vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi dòng phim này để nói lên sự hy sinh, mất mát lớn lao của các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì Tổ quốc và cũng có mong muốn để thế hệ trẻ hiểu được rằng, để có nền hòa bình, độc lập như hôm nay, thật sự chẳng dễ dàng gì; từ đó thêm yêu Tổ quốc và cống hiến xây dựng, bảo vệ đất nước.

PV: Sở trường của chị là viết kịch bản sân khấu, theo chị cái khó khi viết kịch bản điện ảnh là gì?

Nhà biên kịch Minh Nguyệt: Cái khó nhất đó là, làm sao để chắp nối thành những tuyến nhân vật trong câu chuyện phim từ những "lát cắt" trong ký ức của mỗi nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn; để khi bước ra màn ảnh, ai cũng thấy hình ảnh của mình trong những nhân vật ấy, quả là điều không hề dễ dàng.

Hơn nữa, với phim chiến tranh, việc lựa chọn nhân vật chính cũng rất khó vì tính đồng đội cao và ai cũng có những chi tiết điển hình.

Sân khấu và điện ảnh hoàn toàn khác nhau về cách thể hiện kịch bản. Qua quá trình nghiên cứu, học hỏi và rèn luyện, tôi nghĩ rằng mình đã tìm ra chìa khóa của sự khác nhau ấy, để tự tin viết một tác phẩm sân khấu cũng như tự tin viết một tác phẩm điện ảnh; và tôi cũng sẽ không ngừng học hỏi, nghiên cứu tiếp để bổ sung kiến thức cho mình.

Nếu sân khấu truyền tải một thông điệp cụ thể về vấn đề chính luận xã hội nào đó mang hơi thở của cuộc sống, để qua đó, đả kích thói hư tật xấu, giúp khán giả có lăng kính đúng đắn hơn về các vấn đề xã hội bằng ngôn ngữ lời nói, hình thể, tính ước lệ thì điện ảnh lại gửi đi những thông điệp bằng hình ảnh mà qua đó người xem bị tác động cảm xúc bởi những sự kiện cụ thể diễn ra trên màn ảnh.

PV: Trân trọng cảm ơn chị!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)