Tôi muốn nhấn mạnh từ "đặc biệt" ở ngay những câu chữ đầu tiên của bài viết này là có lý do. Cũng cần khẳng định rằng, những ca khúc thuộc mảng đề tài về Đảng, về đất nước, lãnh tụ... luôn rất cần thiết trong mọi thời điểm. Cùng với đó, việc một cá nhân, một nghệ sĩ thể hiện tình yêu, lòng kính trọng của mình đối với Đảng, đất nước hay lãnh tụ là điều không còn xa lạ, đồng thời việc sáng tác một ca khúc thuộc mảng đề tài này hoàn toàn không khó. Nhưng, cái khó, rất khó ở đây là ca khúc khi sáng tác ra và đến với công chúng phải vượt qua giới hạn đại trà là ca khúc cổ động, phong trào để trở thành một tác phẩm nghệ thuật có thể làm rung động trái tim người nghe, làm người nghe xao xuyến, ngập tràn cảm xúc tích cực thì không phải ai cũng có thể vượt qua. Thậm chí không quá khi nói rằng rất ít nhạc sĩ làm được điều này. Phạm Tuyên là một trong số rất ít nhạc sĩ đã vượt qua một cách tài tình.
Mở đầu bằng những giai điệu trữ tình, dàn trải gợi một không gian vừa trang nghiêm, vừa khoáng đạt lại thật gần gũi, những ca từ được cất lên để khán giả tiếp cận một cách tự nhiên: “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Trước như tuổi thơ, tôi nào biết đường/ Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước/ Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông/ Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Đảng ta ơi, cảm ơn Người dạy dỗ...”. Và rồi âm nhạc bắt đầu thay đổi khi liên tiếp những chùm 3 được khai thác với giai điệu theo hướng đi lên, tạo hiệu ứng âm nhạc gần giống như nhịp điệu 6/8, làm cho ca khúc vừa có được sự uyển chuyển của nhịp 6/8 lại vẫn giữ được vẻ trang trọng của nhịp điệu 4/4 ban đầu. Giai điệu trở nên hấp dẫn hơn, người nghe có cảm giác như có một vòng xoáy theo hình chóp cứ chạy vòng vòng nhanh dần lên, hối thúc dần lên từ thấp đến cao và dừng lại ở đỉnh điểm của cao trào tác phẩm: “Từ đây lòng (đời) tôi sướng vui, đau khổ/ Và tình yêu căm giận hóa lời ca...”. Khi cảm xúc đã căng trào, vỡ òa, thì một giai điệu phóng khoáng và trữ tình lại xuất hiện, đưa người nghe vào trạng thái hân hoan như một sự bừng tỉnh trong nhận thức: “Đảng của tôi ơi!/ Người đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”. Việc sử dụng nhịp điệu 2/4 ở câu kết bài này, thay vì nhịp điệu 4/4 như ở phía đầu bài tạo hiệu quả âm nhạc dứt khoát hơn để ca khúc khép lại một cách trọn vẹn, như một lời khẳng định chắc nịch.
 |
Năm nay nhạc sĩ Phạm Tuyên đã bước vào tuổi 91 nhưng vẫn luôn dâng trào cảm xúc với âm nhạc. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Đó là ca khúc “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ca khúc này khi trái tim, khối óc và suy nghĩ của ông đồng điệu với những lời thơ của nhà thơ Louis Aragon-đảng viên Đảng Cộng sản Pháp do nhà thơ Tố Hữu dịch. Trong đó, nhạc sĩ đặc biệt chú ý đến câu thơ: “Đảng cho tôi màu xanh nước non nhà”. Với sự đồng cảm từ tinh thần của ý thơ cộng thêm sự tài ba trong sáng tạo nghệ thuật với những thủ pháp độc đáo, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cống hiến cho cuộc đời một ca khúc hay viết về Đảng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng chia sẻ, ông sáng tác ca khúc này năm 1959, khi đang là sinh viên tại Chiến khu Việt Bắc, được các bạn chuyển cho bài thơ bằng nguyên bản tiếng Pháp. “Đọc lại bài thơ đó trên Báo Nhân Dân do nhà thơ Tố Hữu dịch, tôi thấy lời dịch lột tả được tình cảm của chiến sĩ cách mạng Pháp-Aragon, nhà thơ nổi tiếng, đồng thời là đảng viên đầu tiên của Pháp. Bởi thế khi tôi phổ nhạc bài thơ này là hoàn toàn theo cảm xúc âm nhạc”, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể.
Sau tác phẩm “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” chỉ một năm (năm 1960) nhạc sĩ Phạm Tuyên tiếp tục sáng tác ca khúc “Đảng đã cho ta một mùa xuân”. Với việc vận dụng nhịp 3/4 điệu valse quyến rũ, những giai điệu trong sáng cứ lấp lánh vang lên: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng/ Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi/ Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non/ Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời...”. Ca khúc ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, với ca từ dễ thuộc, giai điệu dễ nhớ lập tức được đón nhận và trở thành một trong những ca khúc được yêu thích nhất giai đoạn đó, chắc chắn vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay và mai sau. Cần nhấn mạnh, trong đó có những câu có lẽ chỉ có Phạm Tuyên phổ nhạc mới trở nên tự nhiên như vậy: “Khi lý tưởng Đảng rực sáng trong tim chúng ta”.
Chưa dừng lại ở đó, năm 1978, nhạc sĩ Phạm Tuyên tiếp tục sáng tác một ca khúc khác về Đảng, đó là “Màu cờ tôi yêu”. Ca khúc được viết ở nhịp 3/8 với nhịp điệu gối tiếp nhau một cách tự nhiên: “Hồng như màu của bình minh/ Đỏ như màu máu của mình tim ơi/ Búa liềm vàng rực giữa trời/ Là niềm hy vọng chói ngời tim ta... Cờ bay màu của niềm tin/ Đỏ như lời hứa của mình em ơi/ Suốt đời lòng dặn giữ lời/ Đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau...”. Ca khúc này được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác dựa trên lời thơ của Diệp Minh Tuyền. Cũng như hai ca khúc trên, ngay khi ra đời “Màu cờ tôi yêu” đã chiếm được tình cảm của khán giả.
Nhìn vào 3 ca khúc viết về Đảng của nhạc sĩ Phạm Tuyên, có thể thấy không phải ngẫu nhiên các tác phẩm ấy có sức sống vượt thời gian, được người yêu nhạc yêu thích và được phổ biến rộng rãi như vậy. Cả 3 ca khúc này có một điểm chung là Phạm Tuyên sử dụng nhịp điệu uyển chuyển để chuyển tải những ca từ vừa ngập tràn lý tưởng vừa chan chứa tình yêu, đồng thời những ca từ có nội dung nhiều hình tượng nhưng lại rất mộc mạc, chân thành. Hơn nữa, “bí quyết nghề nghiệp” quan trọng nhất góp phần tạo nên sự thành công của cả 3 ca khúc viết về Đảng hay rất nhiều ca khúc khác của nhạc sĩ Phạm Tuyên đó chính là “viết hoàn toàn theo cảm xúc” mà ông từng bật mí. Với 3 ca khúc nêu trên đã góp phần làm nên một “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học nghệ thuật cho nhạc sĩ.
NGUYỄN QUANG LONG (Nhà lý luận, phê bình âm nhạc)