Trong các hình thức và nghi lễ được tổ chức trong hội xuân, đám cưới của người Dao thì hình thức hát đối đáp, hát qua làng là những hình thức diễn xướng độc đáo, thể hiện giá trị nhân văn cao đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Dao.

Ngọt ngào điệu hát “qua làng”

Hát “qua làng” là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Dao Tây Bắc. Hội hát “qua làng” được người Dao tổ chức vào dịp Tết đến xuân về, hình thức hát này có nguồn gốc từ lâu đời trong cuộc sống của đồng bào Dao.

Theo các tư liệu về văn hóa dân tộc Dao thì xưa kia, đồng bào Dao sống trên núi cao, không có chợ phiên nên ít có cơ hội được giao lưu giữa người với người, giữa bản này với bản khác. Vì thế, chờ vào dịp xuân về, trong không khí náo nức, tưng bừng của mùa xuân, người đã tổ chức thi hát đối đáp để tạo nên mối giao lưu thân tình giữa các gia đình, giữa các bản làng với nhau.

Thực chất của hát “qua làng” chính là đối đáp giữa chủ nhà và khách, đối đáp giao duyên giữa nam và nữ, giữa những người quen biết nhau từ mùa xuân năm trước đến mùa xuân năm nay mới gặp lại.

Đám cưới của đồng bào Dao Tây Bắc đậm sắc màu truyền thống. 

Để hội thi hát “qua làng” được thành công và ấn tượng, trước đó, bản tổ chức phải mời các bản xung quanh để chọn người tham gia, đến đúng ngày, các bản đưa người đến địa điểm đã ấn định trong kế hoạch để hát đối đáp.

Chủ đề trong những lời hát đối đáp “qua làng” là ca ngợi tình nghĩa thủy chung son sắt của con người, ca ngợi vẻ đẹp quê hương, bày tỏ tình cảm giữa người với người, thể hiện khát vọng cuộc sống yên bình, ấm no. Hát “qua làng” có sự tham gia của đông đảo đồng bào Dao nên có sức hút rất lớn đối với cộng đồng.

Nhờ có hình thức diễn xướng hát “qua làng” vào mùa xuân, cộng đồng dân tộc Dao trong các bản cùng trên một dải đất tăng thêm sự gắn bó, sẻ chia, đoàn kết, thể hiện ước mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt để bản làng, gia đình được ấm no. Hát “qua làng” cũng là sợi dây tinh thần kết nối, giao duyên của trai gái tại các bản Dao. Nhờ có hát “qua làng”, nhiều đôi trai gái đã bén duyên và nên vợ nên chồng.

Chị Đặng Thị Chấu, dân tộc Dao (xã Điện Quan, Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ: “Với ý nghĩa và giá trị nhân văn cao đẹp, hát “qua làng” của đồng bào Dao là một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo, in đậm trong tâm hồn và đời sống của đồng bào nơi đây”.

Hát “qua làng” cần được duy trì và sáng tạo nhiều hơn nữa về làn điệu để vừa góp phần duy trì bản sắc văn hóa, vừa tạo mối giao lưu, hát đối đáp giữa cư dân bản địa với du khách trong chương trình phát triển du lịch cộng đồng.

Âm điệu hát đối đáp

Lễ cưới của đồng bào Dao vùng Tây Bắc là nghi lễ hội tụ những tinh hoa văn hóa dân tộc Dao như văn hóa trang phục, phong tục, tập quán, nghi lễ, ẩm thực, âm nhạc...

Trong lễ cưới của người Dao, những nghi lễ truyền thống thực chất gắn liền với những quan niệm nhân sinh của đồng bào nơi đây, đó là khát vọng hạnh phúc lứa đôi, là sự kết nối tình cảm vợ chồng, là niềm tin vào tương lai tốt đẹp. Trong truyền thống, hát đối đáp là lời hát không thể thiếu trong lễ cưới của đồng bào Dao.

Theo lời kể của các nghệ nhân dân gian, để có được những màn hát đối đáp trọn vẹn và thân tình, nhà trai và nhà gái đều chuẩn bị đội kèn trống chuyên nghiệp. Người thực hiện đánh trống, thổi kèn đều là nam giới đầu quấn khăn, mặc trang phục truyền thống của người Dao. Đội kèn trống rất quan trọng, không thể thiếu trong lễ cưới của người Dao, nhất là trong thời gian diễn ra lễ đón, trao dâu tại nhà trai.

Đồng bào Dao trên đường đi du xuân. 

Khi đoàn đón dâu về đến cổng nhà trai, trong lúc chờ giờ đẹp để vào nhà, đội kèn trống của hai họ tấu lên bản nhạc cùng nhau thể hiện lời chào thân tình. Sau đó, đội kèn trống nhà trai vừa tấu nhạc, vừa đi vòng quanh đoàn nhà gái, cô dâu để thể hiện lời mời, thể hiện nghi lễ buộc dây mời nhà gái ở lại để cùng họ nhà trai tổ chức hôn lễ. Sau đó, đội kèn trống lại đi một vòng ngược lại với ý tháo dây để họ nhà gái bước vào nhà.

Khi cô dâu vào sân nhà cho đến khi tổ chức lễ trao dâu, đội kèn trống tiếp tục thể hiện vai trò của mình khi mỗi nghi lễ được thực hiện. Nhờ có nhạc điệu tấu lên, không gian và những nghi lễ trong đám cưới trở nên thiêng liêng.

Khi cô dâu bước vào nhà, làm lễ bái yết tổ tiên thì ban nhạc tấu lên, hai họ trao cô dâu và đón cô dâu, thắp hương cúng thần linh, tổ tiên để báo cáo cô dâu đã trở thành người trong gia đình. Cứ như thế, mỗi lần đại diện hai họ trao nhau lễ vật, chào nhau, làm lễ buộc dây cô dâu thì nhạc điệu của kèn trống lại tấu lên những bài đối đáp.

Trong khi hai họ cùng nhau ăn cơm ngoài sân thì đội kèn trống tiếp tục đến từng mâm để tấu lên những bài đối đáp mang nội dung chào mời, chúc sức khỏe, trao đổi tâm tư, tình cảm. Khi đoàn nhà gái ra về, đội kèn trống lại cất lên nhạc điệu đối đáp như một lời chào, lời chúc khách ra về thượng lộ bình an.

Hát đối đáp trong lễ đón dâu của người Dao vùng Tây Bắc là một hình thức diễn xướng dân gian độc đáo. Hình thức hát đối đáp được thể hiện qua âm nhạc với nhạc cụ chính là kèn và trống. Nhạc điệu tấu lên từ trống, kèn như thay lời của hai họ, như thay cho những tâm tư, tình cảm không thể nói hết được của con người.

Âm điệu đối đáp có sức lan tỏa trong không gian lễ cưới, tác động đến tình cảm, tâm hồn của con người và trở thành một yếu tố không thể thiếu trong lễ cưới của đồng bào dân tộc Dao nơi đây.

Những lời hát ngọt ngào, say đắm được chưng cất từ tâm hồn yêu cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao, được lưu truyền và diễn xướng trong những không gian đậm bản sắc văn hóa. Trong thời kỳ hội nhập, những lời hát cần được gìn giữ và phát huy để những nét đẹp nhân văn có sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng.

Bài, ảnh: NGUYỄN THẾ LƯỢNG