Bản Lù có hơn 80 hộ dân và đều là người dân tộc Dao. Là người đam mê, tâm huyết với làn điệu Páo dung-một nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Dao, ngay từ khi còn nhỏ, ông Triệu Phúc Thanh đã mày mò, tự học hát qua các bậc cha ông đi trước.

Ông Thanh cho biết: “Để có thể hát được làn điệu Páo dung hay, thuần thục thì người học phải mất khá nhiều thời gian, đồng thời phải có chất giọng khỏe, truyền cảm. Cái khó nhất trong hát Páo dung là học cách lấy hơi, nhấn nhá âm điệu lên, xuống sao cho đúng, rồi mới học thuộc hết phần lời. Dù đã hơn 60 tuổi, nhưng hằng ngày tôi vẫn thường xuyên luyện tập để có thể đạt độ nhuần nhuyễn nhất trong từng câu hát”.

 Ông Triệu Phúc Thanh hát Páo dung cùng bà con trong bản Lù.

Qua những điều ông Triệu Phúc Thanh chia sẻ và tìm hiểu thực tế chúng tôi mới thấy, phải trải qua sự khổ luyện mới có thể hát thành thạo làn điệu Páo dung. Bởi vậy, hiện ở bản Lù, không ai có giọng hát Páo dung sánh được với ông Thanh. Ngoài hát hay, ông Thanh còn sáng tác, tự đặt lời, thường xuyên ghi chép, cất giữ cẩn thận các làn điệu Páo dung nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc cho thế hệ con cháu sau này.

Đối với người Dao ở bản Lù, Páo dung luôn mang ý nghĩa quan trọng, gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt của đồng bào. Khi biểu diễn Páo dung, trai, gái thường chọn lối hát đối đáp. "Nhờ được hưởng lợi từ các chương trình, dự án của Nhà nước, đời sống người dân ở bản Lù từng bước được cải thiện. Ở đâu có người Dao thì ở đó có làn điệu Páo dung độc đáo. Bởi đó là tiếng lòng của người Dao được truyền tải thông qua những âm điệu trầm bổng của từng câu hát nhằm gửi gắm niềm tin, khát vọng về một cuộc sống no ấm, tốt đẹp hơn", ông Thanh tự hào cho biết.

Bài và ảnh: TRIỆU HẢI