Với hệ thống phong tục, tập quán, lễ nghi vô cùng phong phú và mang đậm bản sắc dân tộc, Tết trở thành nơi lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa ngàn đời của cha ông.

Trước hết văn hóa Tết thể hiện rõ truyền thống tôn kính tổ tiên của người Việt, thấm đượm qua một loạt tập tục tốt đẹp như: Tảo mộ cuối năm, sửa soạn bàn thờ, mua sắm lễ vật, bày biện mâm ngũ quả, chăm lo thờ cúng người đã khuất, từ cúng Tất niên, cúng Giao thừa, cúng Tân niên cho đến cúng hóa vàng. Ngay từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, các gia đình lo sửa sang mộ phẩn tổ tiên, mời các vong linh về ăn Tết. Những tập tục này thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng hiếu kính với cha mẹ, biết ơn tổ tiên của các thế hệ sau. Nó góp phần thắt chặt tình yêu thương, gắn bó giữa những người còn sống với nhau và giữa người sống với những người đã khuất.

leftcenterrightdel
Chợ hoa ngày giáp Tết. Ảnh:Chinhphu.vn

Văn hóa Tết cũng phản ánh những nét đẹp trong đời sống tinh thần, thẩm mỹ của người dân qua những thú chơi tao nhã như chơi hoa, chơi cây kiểng, chơi tranh, chơi chữ ngày Tết. Chợ hoa là một nét đặc sắc không thể thiếu của văn hóa Việt trong những ngày giáp Tết. Mọi nhà dù có nghèo túng đến đâu cũng đều cố sắm một trong hai loại hoa đặc trưng cho ngày Tết là đào miền Bắc và mai miền Nam.

Tục xin chữ, câu đối ngày Tết cũng là một nét đặc sắc trong văn hóa Tết Việt, phản ánh truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc. Ngày nay bên cạnh các chữ, câu đối bằng chữ Hán đã xuất hiện các phiên bản quốc ngữ, bên cạnh các ông đồ già đã có thêm các “ông đồ trẻ”  viết thư pháp không kém phần bay bổng, góp phần duy trì và trao truyền nét đẹp văn hóa này cho các thế hệ sau.

Tết cũng là dịp phô diễn sự độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Tục gói bánh chưng ở miền Bắc, gói bánh tét ở miền Nam được trao truyền qua bao thế hệ, không chỉ đơn thuần là những món ăn cổ truyền ngày Tết, mà còn thể hiện bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa. Tết là cơ hội để các bà, các mẹ trổ tài nữ công gia chánh, nấu nướng những món ăn thật ngon, thật cầu kỳ, được bày biện thật đẹp mắt, công phu để cả gia đình thưởng thức. Bữa ăn ngày Tết trở thành những bữa tiệc đoàn viên, bữa cơm sum họp vô cùng ý nghĩa, ấm cúng, gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.

Văn hóa Tết còn thể hiện rõ nét trong trang phục ngày Tết. Trẻ em hân hoan, vui sướng được mặc quần áo đẹp, các cụ già phấn khởi khoe manh áo mới. Dù nghèo hay giàu, ai ai trong ngày Tết cũng cố gắng ăn mặc đẹp đẽ, tinh tươm, tạo nên một bầu không khí rất văn minh, lịch sự trong toàn bộ thời gian Tết. Những năm gần đây chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của trang phục áo dài. Bên cạnh áo dài truyền thống xuất hiện đủ loại áo dài cổ trang, áo dài cách tân. Áo dài thổi hồn vào không khí Tết, mang tới những sắc màu tươi vui, rực rỡ, đồng thời góp phần tôn vinh bản sắc dân tộc.

leftcenterrightdel
Hội thi gói bánh chưng Tết Nguyên đán của bộ đội. Ảnh:qdnd.vn 

Văn hóa Tết còn biểu hiện trong cung cách ứng xử, lời ăn tiếng nói, phong cách đứng ngồi của mỗi người. Trong những ngày đầu năm mới, tâm lý chung là ai cũng muốn tỏ ra lịch thiệp, hòa nhã, ôn hòa để cả năm mọi sự sẽ hanh thông, thuận lợi, thuận buồm xuôi gió.

Văn hóa Tết cũng hiển hiện trong những phong tục đẹp như cúng ông Công, ông Táo, lễ đón giao thừa, hái lộc, xông đất, chúc Tết đầu xuân và mừng tuổi. Những mỹ tục này khiến cho Tết Việt là một chuỗi những ngày vừa đẹp đẽ, vui tươi, vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Bữa cơm tất niên thường là sự kiện đáng mong chờ nhất trong mỗi gia đình. Sau một năm làm lụng vất vả, mọi người, nhất là những người làm ăn xa, được trở về quây quần quanh mâm cơm đoàn viên. Trong mùi vị của hương trầm, của  rượu và các món ăn ngày Tết, mọi người như được trút bỏ mọi nhọc nhằn, lo toan của năm cũ để chuẩn bị đón chào năm mới.

Lễ đón giao thừa được coi là thời điểm linh thiêng và quan trọng nhất trong năm. Những nghi lễ như cúng thần linh, cúng gia tiên khiến mọi người cảm nhận được sự linh thiêng của đất trời trong khoảnh khắc âm dương hòa quyện, trời đất giao hòa. Bên nhau đón những giờ phút đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ đều cảm thấy giá trị thiêng liêng của tổ ấm gia đình, niềm hân hoan, hy vọng về những ngày mai tốt lành ở phía trước.

leftcenterrightdel
Bộ sưu tập áo dài Tết 2024 của nhà thiết kế Vũ Lan Anh. 

Trong dân gian thường có câu “Mồng một Tết mẹ, Tết cha, mồng hai Tết vợ, mồng ba Tết thầy” là thể hiện truyền thống báo hiếu cha mẹ, tôn sư trọng đạo của người Việt Nam.

Tết chính là “sinh nhật” của mọi người, ai cũng vừa thêm một tuổi, nên câu nói cửa miệng khi gặp nhau là mừng nhau tuổi mới. Người lớn mừng tuổi trẻ nhỏ để chúc các cháu hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi, vâng lời bố mẹ; mừng tuổi người già để mong các cụ sống lâu, mạnh khỏe, vui vầy bên con cháu. Kèm theo đó là những phong bao lì xì hồng tươi mang tới niềm vui, sự mãn nguyện của mọi người.

Tết cũng là dịp để nhiều người thể hiện văn hóa biết ơn với những người đã cưu mang, giúp đỡ mình trong năm cũ. Con cái thường sắm quà Tết biếu bố mẹ, ông bà; nhân viên sắm quà cám ơn cấp trên hoặc ngược lại, lãnh đạo cảm ơn, thưởng quà cho cấp dưới đã tận tình phục vụ cho công ty, đơn vị. Văn hóa quà biếu cũng là nét đẹp chung của văn hóa Á Đông.

Trong những ngày đầu năm mới, du xuân, lễ đền, lễ chùa, thăm viếng danh lam thắng cảnh cũng là một trong những phong tục đẹp. Khi đến các cơ sở thờ tự, ngoài việc cầu xin một năm mới may mắn, an lành, hạnh phúc, mọi người cũng tranh thủ đi vãn cảnh chùa, thưởng ngoạn các di tích, danh thắng để thân, tâm được an lạc, thanh thản, nạp thêm sinh khí và năng lượng cho chặng đường mới.

Có thể nói, Tết cổ truyền hàm chứa những giá trị văn hóa, tinh thần, tâm linh, tình cảm rất sâu sắc đối với mỗi người dân Việt Nam. Trong bối cảnh xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa hiện nay, mặc dù có những thay đổi theo hướng chuyên môn hóa và hợp lý hóa hơn, nhưng những nét đẹp căn bản của văn hóa chuẩn bị Tết và đón Tết vẫn luôn được bảo tồn. Nó dường như đã thấm sâu và lắng đọng trong tâm thức của mỗi người Việt, trở thành hành trang đi theo họ suốt cuộc đời. Thậm chí càng đi vào hiện đại, con người dường như càng muốn quay về với truyền thống, tìm điểm tựa ở truyền thống như là bệ đỡ cho hiện tại. Tết đã trở thành sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp con người trở về với cội nguồn để vững bước đi tới tương lai.

GS, TS TỪ THỊ LOAN, nguyên Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.