Làm mới trong từng tác phẩm

Tham gia trại sáng tác với hai tác phẩm “Đường tới Dinh Độc Lập” và “Người đẹp thời chiến”, họa sĩ Nguyễn Hải Nghiêm (Hà Nội) đã tạo ấn tượng đẹp với ban tổ chức và các đồng nghiệp với nét vẽ độc đáo cùng chất liệu acrylic. Là cựu chiến binh nên ông luôn đặt tâm huyết vào những “đứa con tinh thần” để đưa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ đẹp hơn, thiêng liêng hơn qua lăng kính mỹ thuật. Họa sĩ Nguyễn Hải Nghiêm chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần tham gia sáng tác về đề tài LLVT, CTCM nhưng mỗi lần đều có cảm xúc trào dâng niềm tự hào. Để làm được vậy, tôi luôn tự đổi mới tư duy, đưa cảm xúc vào tranh qua từng nét vẽ, màu sắc”.

Lần đầu được tham gia trại sáng tác về đề tài LLVT, CTCM, nữ họa sĩ Bùi Thị Ngoan (Thanh Hóa) lựa chọn kỹ thuật khắc gỗ mộc bản để cho ra mắt hai tác phẩm “Ký ức” và “Hẹn ước”. Đây cũng là tác phẩm khắc gỗ có kích thước lớn, lần đầu tiên chị thực hiện. Họa sĩ Bùi Thị Ngoan bày tỏ: “Tôi tự tìm hiểu thêm qua sách báo, internet, bảo tàng để có cái nhìn sâu sắc hơn về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, cũng như tránh lặp lại những chủ đề của các họa sĩ trước. Dù kỹ thuật tranh khắc gỗ rất vất vả, tốn thời gian nhưng tôi dành hết tâm huyết cho từng nét khắc để thể hiện trọn vẹn ý tưởng, tình cảm vào tác phẩm. Trại sáng tác đã cho tôi hiểu sâu sắc hơn về đề tài LLVT, CTCM. Tôi sẽ đầu tư sáng tác thêm nhiều tác phẩm lớn, đặc sắc hơn về đề tài này”.

leftcenterrightdel
 Các họa sĩ tham gia trại sáng tác mỹ thuật tại TP Đà Lạt trao tặng tác phẩm cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. 

31 tác phẩm giàu ý tưởng nghệ thuật, ngôn ngữ biểu đạt phong phú thu được từ trại sáng tác đã nói lên tâm huyết, trách nhiệm của người họa sĩ trong phát huy nét đẹp hình tượng Bộ đội Cụ Hồ từ trong kháng chiến đến cống hiến tài năng trên các lĩnh vực trong tình hình mới, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng từ ý tưởng đến phong cách thể hiện như: "Binh trạm Trường Sơn" (họa sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng), "Đặc công Rừng Sác" (họa sĩ Trịnh Bá Quát), "Những người lính canh trời" (họa sĩ Vũ Quý), "Nắng biên cương" (họa sĩ Nguyễn Việt Anh), "Thao trường" (họa sĩ Lê Anh), "Biển thức" (họa sĩ Lương Nguyên Minh, "Lính công trường" (họa sĩ Mai Xuân Chung), "Mây quân cảng" (họa sĩ Nguyễn Dương Đính)...

Là đơn vị chủ trì trại sáng tác, theo Thiếu tá Lê Hoàng Anh, Phó trưởng phòng Trưng bày-Triển lãm, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đây là trại sáng tác thứ ba của cuộc vận động sáng tác mỹ thuật đề tài LLVT, CTCM giai đoạn 2021-2025. Thành công của trại sáng tác lần này không chỉ là những tác phẩm có giá trị mà các họa sĩ đã chia sẻ nhiều tâm huyết cùng làm mới, nâng tầm tác phẩm trong mảng đề tài này để phát huy mỹ thuật Quân đội đến với công chúng.

Vun bồi sức sống cho đề tài

Hoạt động trại sáng tác mỹ thuật tập trung thời gian qua góp phần nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo, khơi nguồn ý tưởng nghệ thuật cho mảng đề tài về LLVT, CTCM. Các thành viên tham dự trại sáng tác hoạt động trong và ngoài Quân đội, ở nhiều lứa tuổi với quan niệm, cách tiếp cận và bút pháp nghệ thuật riêng. Họa sĩ Trịnh Bá Quát (Hà Nội) cho rằng, hiệu quả các trại sáng tác đã khẳng định sức sống mãnh liệt của đề tài LLVT, CTCM trong giới mỹ thuật. Để tăng sức hút họa sĩ tham gia, cần phải làm mới đề tài này bởi góc nhìn khai thác mới sẽ là “chìa khóa” giúp người họa sĩ không bị lặp lại lối mòn trên con đường sáng tác.

Theo họa sĩ Trịnh Bá Quát, vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ không chỉ trong thời kháng chiến mà còn lan tỏa, phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Hình ảnh người chiến sĩ trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, canh giữ biên cương, hải đảo, nghiên cứu khoa học, dân vận, nhất là bộ đội trong thời kỳ 4.0 chắc chắn luôn khơi dậy sự tìm tòi, sáng tạo cho người họa sĩ. Từ đó, sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị về nội dung tư tưởng và tạo hình, góp phần vun đắp thêm tình yêu, niềm cảm hứng với đề tài LLVT, CTCM. 

Ở góc độ của người trẻ, họa sĩ Nguyễn Việt Anh (Hải Phòng) cho biết, họa sĩ trẻ có năng lực sáng tác tốt nhưng với đề tài LLVT, CTCM còn đang thiếu về thực tế, tư liệu, kinh nghiệm... Do vậy, rất cần được bồi dưỡng thông qua những chuyến đi thâm nhập thực tế và tham gia trại sáng tác tập trung để giao lưu, tiếp lửa truyền thống và lòng yêu nghề, tiếp tục nuôi dưỡng ý tưởng cho các tác phẩm mới về đề tài LLVT, CTCM. “Họa sĩ trẻ như chúng tôi luôn xác định sáng tác về LLVT, CTCM chính là trách nhiệm, sự tri ân với những người đã anh dũng hy sinh để mang đến cuộc sống bình yên, tươi đẹp ngày hôm nay”, họa sĩ Việt Anh chia sẻ.

Theo cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, các tác phẩm mỹ thuật có giá trị nghệ thuật cao, nội dung phong phú và hình thức thể hiện đa dạng từ các trại sáng tác sẽ tiếp tục gửi tham gia triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đồng thời, gửi tham gia xét tặng giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giải thưởng của Bộ Quốc phòng, tổ chức trưng bày triển lãm, in sách mỹ thuật chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024) và các ngày lễ lớn của đất nước.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG