Mỗi kỷ vật gắn với một câu chuyện
Vẫn là không gian quen thuộc nhưng ở trưng bày chuyên đề “Mỗi kỷ vật một câu chuyện”, người xem vẫn có những cảm nhận thật khác biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, dung dị và gần gũi. Điều bất ngờ là trưng bày thu hút khá đông người xem, cả khách trong nước và quốc tế, nhiều gia đình đưa theo cả trẻ nhỏ. Theo Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà, trưng bày lần này có gần 200 hiện vật, trong đó nhiều hiện vật lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng.
Dừng chân bên mô hình con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp), anh Nguyễn Như Hoàng (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: "Đây là hiện vật tôi thích nhất vì con tàu gắn liền với chuyến đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Chuyến đi đó cũng bắt đầu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, để chúng ta có được hòa bình, hạnh phúc hôm nay. Ngoài ra, khi đến trưng bày, được tận mắt nhìn những hiện vật Bác từng tiếp xúc tạo cho tôi một cảm giác rất thiêng liêng”. Trong khi đó, chị Lê Phương Nhung (Bến Tre) lại quan tâm nhiều tới chiếc thước kẻ SNK mà Bác Hồ tặng nghệ sĩ chèo Nguyễn Thị Kim Liên năm 1969. Đây là chiếc thước kẻ do Bác tự tay làm từ miếng gỗ nhặt được khi đi bôn ba ở nước ngoài. Trên thước Bác khắc ba chữ "SNK", nghĩa là “Suy nghĩ kỹ". Bác đã gìn giữ chiếc thước kẻ này nhiều năm trên bàn làm việc trong ngôi nhà sàn tại Phủ Chủ tịch. Theo nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, món quà tuy giản dị nhưng có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với bà. Mỗi khi dự định làm bất cứ việc gì, bà đều nhớ đến 3 chữ tô đỏ của Người như một lời dạy để cố gắng vươn lên và cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Chị Lê Phương Nhung cho biết mình là người nóng tính nên khi đọc được thông tin về chiếc thước kẻ giúp chị học hỏi được nhiều từ đức tính của Bác. “Có lẽ, tôi cũng sẽ tự làm cho mình một đồ dùng tương tự để nhắc nhở bản thân”, chị Lê Phương Nhung chia sẻ.
 |
Anh Christopher Strohschein (phải) bên mô hình tàu Amiral Latouche Tréville. |
Là một nhà chuyên môn có nhiều gắn bó với công tác bảo tàng, sau khi đi xem, chụp ảnh lại nhiều hiện vật, PGS, TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, con trai cố GS, TS Nguyễn Văn Huyên, đánh giá: “Tôi thấy đây là một trưng bày rất hay, đưa lại cho chúng ta nhiều cảm xúc. Những hiện vật gắn với những câu chuyện cho chúng ta thấy tình cảm của Bác với người dân và bạn bè quốc tế. Những điểm mới về thiết kế trưng bày như màu sắc, cách bố trí, sắp xếp... cũng tạo nên sức hấp dẫn của trưng bày này. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy trưng bày mang đến cho công chúng một số lượng khá lớn hiện vật gốc. Đây thực sự là những tài sản rất quý, những chứng cứ lịch sử quý chúng ta phải trân trọng. Ví như bức họa bằng lụa in rất đẹp vào những năm kháng chiến chống Pháp. Tôi nghĩ đây có thể là bức họa vô giá”.
Kỷ vật tạo đa chiều kết nối
Một trong những bất ngờ của trưng bày lần này chính là tạo ra những kết nối khá thú vị. Tại trưng bày, chúng tôi gặp chị Cao Thị Sương, nhân viên phòng trưng bày. Khi chúng tôi hỏi thêm thông tin về một số trong nhóm hiện vật của một số nước, chị Sương cho biết có hiện vật chính bảo tàng cũng chưa có nhiều thông tin vì thời gian đã lâu, nhân chứng hầu như không còn nên rất khó xác định hết những câu chuyện xung quanh đó.
Ngay lúc ấy, ở khu vực trưng bày những hiện vật liên quan đến Trung Quốc có tiếng ồ lên thích thú. Thì ra bà Nguyễn Thị Kim (vợ PGS, TS Nguyễn Văn Huy) chia sẻ rằng có thể biết hai cháu bé đã tặng Bác những chú mèo bằng gốm sứ. “Tôi sẽ kiểm tra lại thông tin và nhắn người quen của hai chị đó (hai cháu bé xưa giờ cũng đã lớn tuổi) đến xem trực tiếp và liên hệ lại với bảo tàng”, bà Nguyễn Thị Kim thông tin.
Anh Christopher Strohschein (Canada) thì lại tìm thấy kết nối thú vị từ chiếc hộp đựng thuốc lá bằng gỗ chạm mô phỏng ngôi nhà phố mái bằng theo phong cách kiến trúc ở thủ đô La Habana (Cuba). Chiếc hộp do Cộng hòa Cuba tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến anh tìm thấy sự gắn kết 3 nước bởi Cuba và Canada là hai quốc gia châu Mỹ ở rất gần nhau, còn Việt Nam và Cuba lại có mối quan hệ gắn bó.
"Khi đến bảo tàng, chúng ta phải xem, phải đọc rồi liên tưởng đến những cái khác nữa thì nó sẽ tạo ra cho chúng ta những kiến thức mới và cảm xúc mới", đó là lời khuyên của PGS, TS Nguyễn Văn Huy dành cho chúng tôi. “Khi nhìn thấy chiếc đồng hồ đeo tay Movado mặt tròn, ở góc 12 giờ có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày tại đây, tôi liên tưởng tới chiếc đồng hồ tương tự mà Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên cũng có. Chiếc đồng hồ Bác Hồ tặng cùng với vỏ bao của nó được bố tôi luôn nâng niu và trân trọng đeo suốt cho đến khi ông qua đời. Ở đây, tôi thấy có hiện vật mà ông tỉnh trưởng Pita (Guinea) gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Đoàn chuyên gia Giáo dục của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sang công tác tại Guinea, tháng 7-1969. Tôi liên tưởng phải chăng đó là hiện vật mà đoàn đại biểu do bố tôi làm trưởng đoàn ngày đó mang về. Với tư cách là một người làm bảo tàng, tôi sẽ về kiểm tra lại thông tin chuyến đi của bố tôi xem có đúng thời điểm ở đây hay không. Nếu đúng thì đây thực sự là một kỷ niệm rất vui của một người con khi tìm được thông tin về việc làm của bố mình với Bác Hồ kính yêu”, PGS, TS Nguyễn Văn Huy cho biết thêm.
Trưng bày chuyên đề "Mỗi kỷ vật một câu chuyện" (Sưu tập tặng phẩm Bác Hồ 1945-1969) gồm 3 phần: Tấm lòng đồng bào Việt Nam; Thắm tình bạn bè quốc tế; Hành trình kỷ vật. Trưng bày diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đến hết tháng 12-2022. |
Bài và ảnh: TOÀN LINH