Bà Huyện Thanh Quan sống trong một thời đại dân tộc đầy biến động chính trị. Nhà Lê, Mạc; Chúa Trịnh, Nguyễn; Tây Sơn, Nguyễn Ánh… liên tục xuất hiện và sụp đổ. Những thay đổi, đổ vỡ xáo trộn lớn ấy đã được phản chiếu sâu và đau buồn trong thơ Bà Huyện Thanh Quan.
Gia tài thơ ca của Bà Huyện Thanh Quan không đồ sộ. Số bài thơ thất ngôn bát cú của bà còn lại rất ít. Số câu thơ cũng không nhiều. Nếu in 7, 8 bài thơ của bà mọi người vẫn biết thì chỉ khoảng vài trang giấy A4. Trong số ít ỏi còn lại ấy, một phần lớn viết về Thăng Long, đó là: “Thăng Long thành hoài cổ”, “Qua chùa Trấn Bắc”, “Cảnh đền Trấn Võ”…
Mỗi bài thơ của bà là một viên ngọc lung linh, qua thời gian ngọc càng tỏa sáng. Bài “Thăng Long thành hoài cổ” là đỉnh cao thơ bà, cũng là một trong những đỉnh cao của văn học nước nhà. Bài thơ ra đời sau khi Nguyễn Ánh định đô ở Huế, Thăng Long mất vị trí đầu não về chính trị và văn hóa, lẽ ấy, cảnh buồn, lòng trĩu nặng buồn thương, tan vỡ, đến tận cùng.
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Thể thơ nghiêm ngặt nhưng ý tứ trải ra linh hoạt lan thấm như nước, như khoan xoáy vào vết thương lòng; Hình thức đăng đối rất chỉnh mà lại vô cùng tinh tế, khơi gợi, hàm súc. Cái bao trùm trong đó là lòng người muốn yên, không muốn tao loạn. Mỗi câu thơ là một sự ai oán, tang thương và cả bài thơ là một tiếng kêu đứt ruột, xé lòng khi Thăng Long chỉ còn lại với “dấu xưa”, “nền cũ”. Cái buồn thương xé lòng ấy, diệu kì thay, nó lại gợi cảm hứng cái đẹp, cái trác tuyệt lay động lòng người.
Dẫu sao cái “hí trường”-cái sân khấu chính trị ấy cũng không phải là cái vĩnh cửu. Cái vĩnh cửu chính là “đá” và “nước”. “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt” và “Nước còn cau mặt với tang thương”. Đúng là “Quốc phá sơn hà tại” (Đỗ Phủ). Dù kinh đô có chuyển dời, nhưng đá và nước vẫn còn đó, nên kinh đô vẫn còn trong lòng người.
Và cũng phải chăng kinh đô Thăng Long còn trong lòng người đau thương, thổn thức như vậy, nên “đá”, “nước”, và lòng người lại có cơ duyên hòa thuận để ta lại có Thăng Long-Hà Nội hào hoa, phồn thịnh hôm nay!
XUÂN BẰNG