Từ sáng tác đầu tiên về Hà Nội

May mắn hơn so với nhiều người khi đến với nghệ thuật, trong gia đình nhạc sĩ Vũ Huyền Ngọc có hầu hết các thành viên theo nghề. Cha của chị từng là Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn, Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, chị gái cả là nhạc công chơi keyboad của Đoàn Văn công Quân khu 1, còn em út là giảng viên keyboad tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Trong thời gian làm việc tại Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, chị được tham gia lớp học sáng tác trong chương trình tập huấn chuyên môn do các giảng viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội hướng dẫn. Đây chính là cơ duyên đưa chị đến với công việc sáng tác.

Từ kiến thức được học, từ những cảm xúc rung lên, chị đã sáng tác ca khúc “Đêm mùa thu Hà Nội”. Đây là cảm xúc rất thật của chị khi đi diễn về qua các con phố cổ Hà Nội vào những buổi tối. Gió hiu hiu, tỏa ngát mùi hương hoa sữa, tiếng dương cầm về đêm réo rắt đã được chị khéo léo đưa vào ca khúc này khiến người nghe có cảm giác một Hà Nội rất thân thương, gần gũi. Cũng với ý tứ và cảm xúc nhẹ nhàng, trong sáng, chị đã liên tiếp cho ra hàng chục ca khúc về mảnh đất nghìn năm văn hiến, như: “Hà Nội đêm giao mùa”, “Hà Nội tình yêu trong tôi”, “Thu Hà Nội” (Giải B Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam), “Sắc thu Hà Nội” (giải ba trong Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội phát động)... Những sáng tác về Thủ đô của chị không quá nặng về khúc thức, ca từ giàu ý tứ văn học như một món quà để tri ân mảnh đất đã giúp chị được “cất cánh” với âm nhạc.

Trung tá QNCN, nhạc sĩ Vũ Huyền Ngọc (người mặc quân phục) trong lần nhận giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ảnh: NVCC 

Ngoài chủ đề quê hương đất nước, người lính, tình yêu, các ngành nghề thì chủ đề về Hà Nội luôn được nhạc sĩ Vũ Huyền Ngọc dành một ngăn trong trái tim. “Có thể nói Hà Nội là nơi tôi được phát huy sức trẻ, được sống với đam mê và cống hiến. Âm nhạc của tôi luôn hướng phong cách trẻ để hợp với xu thế hội nhập. Với thời gian gần 30 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, tuy chưa phải là dài, nhưng cũng đủ cho tôi cảm nhận và dành tình cảm nặng sâu với nơi này. Vì vậy, mỗi khi đặt bút tôi luôn trăn trở, “cân đo đong đếm” trong từng lời ca đến giai điệu”, chị chia sẻ.

Mong mỏi vào thế hệ trẻ Thủ đô

Gần đây, chị liên tiếp cho ra đời những ca khúc dành tặng thế hệ trẻ của Thủ đô như lời nhắc nhở, hiệu triệu thanh niên quyết tâm, nỗ lực xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh. Điều đặc biệt là những ca khúc chính trị nhưng không mang lại cho người nghe cảm giác khô cứng mà luôn uyển chuyển, dễ hát, dễ thuộc. Như ca khúc “Vươn xa thanh niên” do Hội Sinh viên Việt Nam Thủ đô tổ chức đã được Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Hà Nội chọn là ca khúc chính thức của Đại hội Thanh niên Việt Nam Thủ đô Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2022 – 2027 hay ca khúc “Khát vọng tuổi thanh xuân” được Hội Sinh viên Thủ đô lựa chọn là ca khúc chính thức của Đại hội sinh viên thành phố Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028.

Theo nhạc sĩ Vũ Huyền Ngọc, Hà Nội đang ngày càng phát triển, vươn lên cùng với xu thế hội nhập quốc tế và lực lượng trẻ luôn là nòng cốt để thôi thúc cho sự phát triển ấy. Chị mong mỏi thanh niên Thủ đô hãy phát huy những nét tinh túy trong phẩm chất, văn hóa của người Tràng An để chung tay góp sức xây dựng thành phố.

“Hy vọng mỗi khi hát ca khúc “Khát vọng tuổi thanh xuân” và “Vươn xa thanh niên”, thế hệ trẻ sẽ tìm thấy được chân lý sống của cuộc đời mình, không lùi bước trước những khó khăn, thách thức, quyết tâm, sẵn sàng cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, chị tâm sự.

Năm 2023, chị cũng xuất sắc nhận giải B với ca khúc “Sắc màu bình yên” trong Cuộc thi sáng tác ca khúc với chủ đề “Công an quận Bắc Từ Liêm – Những mùa hoa chiến công” do UBND quận Bắc Từ Liêm phát động nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập quận Bắc Từ Liêm. Là người có nhiều chuyến đi thực tế đến các đơn vị công an ở Hà Nội và nhiều tỉnh khác, chị càng cảm nhận rõ hơn về tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong mỗi người chiến sĩ. Mỗi khi đi qua những con phố của Hà Nội nói chung và quận Bắc Từ Liêm nói riêng, chị luôn thấy sắc phục của người chiến sĩ không quản ngại ngày đêm tuần tra trên từng tuyến phố để bảo đảm trật tự và an toàn xã hội. Ca khúc “Sắc màu bình yên” không những nói lên cảnh sắc của những con phố mà nói đến vẻ đẹp sắc phục, vẻ đẹp của tâm hồn, tình yêu và trách nhiệm của người chiến sĩ Công an trong lòng mỗi người dân.

NGÔ KHIÊM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.