Cũng giống như con rươi ở Hải Dương, con vật vờ chỉ xuất hiện khoảng thời gian ngắn trong năm. Đó là từ tháng Hai đến tháng Tư âm lịch, khi trời vào độ cuối xuân, hoa gạo bắt đầu nở đỏ thì con vật vờ xuất hiện. Vào những ngày thời tiết thay đổi, đang nóng ẩm mà trời đổ mưa dông thì khắp một vùng không gian rộng lớn của sông Hồng sẽ trắng xóa những con vật vờ. Những người đánh bắt vật vờ phải chầu chực từ tinh mơ bởi loài này chỉ xuất hiện lúc bình minh đôi ba tiếng rồi biến mất. Vòng đời của vật vờ ngắn ngủi. Chúng chỉ lột xác hai lần, đẻ trứng rồi lìa đời. Sau đó, trứng nở thành ấu trùng rồi lại chìm xuống đáy sông chờ ngày nổi lên lột xác, tiếp tục dòng chảy sự sống.

leftcenterrightdel
Món vật vờ chiên lá mắc mật thu hút thực khách.  Ảnh: TUẤN HOÀNG

Thế nên, khi đánh bắt vật vờ, người dân phải nhanh tay thu hoạch. Thời xưa, người dân chỉ cần dùng vợt thô sơ để thu hoạch vật vờ. Nhưng cách đó chỉ đủ cho gia đình ăn dăm bữa. Để tăng năng suất thu hoạch vật vờ, nhiều hộ gia đình đã trang bị thuyền gắn máy kèm với phễu lưới. Canh giờ và đánh bắt kỳ công khiến giá của vật vờ trong các chợ cũng vì thế mà rất cao, dao động từ 350.000 đồng đến hơn 500.000 đồng/kg. Nhưng vào mùa vật vờ thì cung không đủ cầu khi nhiều người mua gom số lượng lớn rồi cấp đông, đem đi biếu tặng những người thân.

Vật vờ thoạt nhìn như châu chấu với lớp vỏ giáp, cùng hai cái râu trên đầu. Khi ăn, nó có hương vị gần với con nhộng. Thịt vật vờ mềm và béo bùi, khi rang mỡ hay làm chả lại tỏa hương thơm nức mũi. Đó chính là cái thú vị của vật vờ vì khi thưởng thức, người ta có thể liên tưởng đến nhiều món đặc sản khác dựa vào hương vị phức tạp của nó.

Có thể kể ra một danh sách các món ngon chế biến từ vật vờ, như: Vật vờ chiên lá mắc mật, nộm vật vờ, vật vờ xào ngổ, rau muống hay lẩu vật vờ riêu cua, chả vật vờ lá lốt. Song, món ăn khác biệt nhất phải kể đến là canh vật vờ nấu cá ngạnh. Đây là món ăn nổi tiếng đối với những người dân chài ở thôn Xâm Dương. Cá ngạnh sau khi làm sạch được ướp muối, mẻ, nghệ, cà chua, tỏi cho ngấm rồi xào săn cho thơm. Ở đây, người ta ướp riêng vật vờ với gia vị tương rồi cũng xào qua với mỡ lợn để lớp vỏ vật vờ béo bùi. Sau đó, người dân địa phương trút hai thành phần vào cùng một nồi, thêm nước sôi, gia vị và đun tới khi khói bốc nghi ngút, hương thơm tỏa ra nồng nàn.

Mùi riềng thơm ấm áp, hương nghệ nồng nàn xua đi vị tanh của vật vờ và cá ngạnh. Cá ngạnh đánh bắt tự nhiên có vị ngọt và chắc thịt, cho nước dùng béo và thơm. Món này mà được dùng kèm với lá lốt để cân bằng hương vị và bảo đảm hài hòa âm dương thì quả là độc đáo.

Một số người sẽ thích dùng món canh vật vờ này như một món lẩu, họ nhúng thêm hoa chuối thái sợi, rau bí non. Vậy là được một món ăn thơm ngon đậm đà. Bao nhiêu cái béo bùi của cá ngạnh ngấm vào lớp vỏ vật vờ, vào rau nhúng, giúp thực khách ấm lòng trong những ngày giá rét.

MỘC MIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.