QĐND - Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?
Mẹ tôi em có gặp đâu không
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?
Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Thương vườn ruộng khôn khuây
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?
1949
QUANG DŨNG
Lời bình của VIỆT PHONG
Quang Dũng hiển nhiên là một trong số các nhà thơ chống Pháp tiêu biểu nhất. Đọc thơ ông có thể dễ dàng cảm nhận được tinh thần và nghệ thuật thơ ca thời kỳ này: Đầy tính lãng mạn pha trộn với chất kiêu hùng, tràn tính nhạc lẫn những câu thơ ngắn dài khác nhau rất khỏe khoắn. “Mắt người Sơn Tây” là một bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ ca tài hoa của Quang Dũng, nổi tiếng chẳng kém bài thơ “Tây Tiến” nhiều năm được giảng dạy trong nhà trường.
Bài thơ có 7 khổ thơ thì 5 khổ thơ đầu vẽ lên khung cảnh ở thời hiện tại với cảnh chiến tranh đau thương, với những câu thơ tả thực đau lòng: “Mẹ tôi em có gặp đâu không/ Bao xác già nua ngập cánh đồng/ Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ/ Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông”.
Giữa khung cảnh bi thương đó, xuất hiện “nàng thơ” được Quang Dũng gọi là “em”. Khi bài thơ “Mắt người Sơn Tây” ra đời ngay lập tức đã nổi tiếng, được phổ nhạc, nhiều người đã cất công đi tìm hiểu xem nhân vật “em” trong bài thơ là ai. Thực ra, với nghệ sĩ lãng mạn như Quang Dũng có một người yêu thật sự gợi cảm hứng để làm thơ hay là một “em” tưởng tượng thì không mấy quan trọng. Chủ nghĩa lãng mạn thường tìm cách thi vị hóa mọi thứ, có khi người được gọi là “em” trong bài thơ chỉ là một cô bé hàng xóm chưa biết chuyện ái tình đã được nhà thơ tưởng tượng thành một “nàng thơ” để trút bầu tâm sự.
Sự thi vị hóa của chủ nghĩa lãng mạn không chỉ khiến Quang Dũng hư cấu hoàn cảnh hai người đồng hương Sơn Tây, giữa “ta” và “em” chạy giặc vô tình gặp nhau mà ông còn nhìn vẻ đẹp của người con gái ấy hòa lẫn với vẻ đẹp quê hương yêu dấu: “Vầng trán em mang trời quê hương/ Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương”. Rõ ràng, nhân vật “em” trong bài thơ xuất hiện để nhà thơ nói lên lòng yêu quê hương xứ Đoài của mình: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em có bao giờ em nhớ thương?”. Và không khó để kết luận, “Mắt người Sơn Tây” là một trong những bài thơ nói về tình cảm yêu quê hương, đất nước hay nhất thời chống Pháp.
Cũng với tình cảm yêu quê hương như thế, người đọc dễ hiểu ý nghĩa hai khổ thơ cuối là một mong ước ở thì tương lai khi viễn tưởng đồng quê trở lại khung cảnh yên bình, dẫu cho ngày đó vẫn còn xa: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng. Bao giờ tôi gặp em lần nữa/ Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca/ Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ/ Còn có bao giờ em nhớ ta?”.
Và sau chót, đọc hai khổ thơ cuối người đọc cảm nhận được một cách gián tiếp tâm hồn của người lính chống Pháp. Đó là những con người sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh gian khổ để đứng lên cầm súng bảo vệ quê hương với tâm hồn lãng mạn của tuổi trẻ.