Theo đó, những món ăn đặc trưng lưu giữ linh hồn trong mâm cỗ Tết cổ truyền của người Hà Nội có thể là những cuốn nem tròn chắc tay, chả quế cắt hình quả trám khéo léo trong cách xếp đặt, con gà luộc cánh tiên ngậm bông hồng, bánh chưng xanh cắt miếng gọn gàng bằng lạt, bát canh măng, canh bóng bì xào…

Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết chia sẻ, mâm cỗ Tết của người Hà Nội cầu kỳ như 4 bát 6 đĩa, có gia đình thì 4 bát 8 đĩa, tùy điều kiện của mỗi gia đình. Bát canh măng ninh với móng giò được bày biện cùng một củ hành để dài, trần sơ qua nước sôi vắt lên, khi ăn miếng măng phải nhừ, ngấm được độ ngọt, vị béo của móng giò nhưng không bị ngấy. Hay như bát canh bóng phải có nấm hương, có thịt nạc thăn, bóng được tỉa thành hoa văn khéo léo. Các đĩa bày biện thức ăn trong mâm cỗ Tết của người Hà Nội cũng nhỏ hơn so với các nơi khác, điều này làm nên sự khác biệt.

Còn với anh Trần Trung Hiếu, người con sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mâm cơm ngày Tết là mâm cơm của những nếp nhà, từ thời ông bà đến con cháu. Với những bát canh bóng, khoanh giò, gà luộc cánh tiên… lúc nào cũng đủ đầy các món, cùng sum vầy bên gia đình mới trọn vẹn dư vị Tết.

Anh Hiếu cho biết, mâm cỗ Tết sẽ đa dạng về hương vị, cầu kỳ trong cách bày biện, trang trí. Đĩa gà xếp đĩa phải đầy đặn, chặt tay, da gà được giữ nguyên hình khi chưa chặt, đĩa giò sẽ được cắt thành 6 hoặc 12 miếng đều nhau theo hình bông hoa, vừa vặn xếp thành đĩa; dưa góp phải được cắt tỉa hình hoa đẹp mắt. Việc bày biện cũng phải hài hòa màu sắc trên những chiếc đĩa sứ Bát Tràng nhỏ gọn, không bày biện quá nhiều.

Mâm cỗ Tết sẽ có màu xanh của bánh chưng, màu đỏ của xôi gấc, màu vàng của thịt gà, màu trắng của dưa hành… hội tụ đầy đủ tinh hoa của đất trời. Món ăn được anh Hiếu ưa thích nhất trong mâm cỗ Tết của người Hà Nội chính là canh bóng. Bát canh bóng được nấu cùng nước luộc gà ninh cùng tôm nõn khô, thêm vài cánh nấm hương.

Trải qua sự thay đổi của thời gian, mâm cỗ Tết của người Hà Nội vẫn được gìn giữ nguyên vẹn nét văn hóa ẩm thực truyền thống độc đáo và tinh tế. Mâm cỗ chính là sợi dây để kết nối hiện tại với quá khứ, gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

leftcenterrightdel

Mâm cỗ Tết cổ truyền của người Hà Nội.

leftcenterrightdel
 Gà cánh tiên da vàng ươm, căng bóng.
leftcenterrightdel
 Canh măng ninh móng giò. 
leftcenterrightdel
 Nem cốm - hương vị cổ truyền của người Hà thành. 
leftcenterrightdel
 Bóng xào củ quả. 

Bài, ảnh: ĐẶNG CƯỜNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.