Thực trạng nhức nhối này tưởng như nói cho xong xuyện, “ném đá ao bèo”, thì nay đã bị "vạch mặt, chỉ tên” rất cụ thể, rất đích đáng, phần nào củng cố niềm tin của xã hội vào cuộc chiến chống lãng phí, vì sự lãng phí đã, đang xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành và gây ra biết bao hệ lụy cho đất nước, nhân dân.
 |
Ảnh minh họa: dantri.com.vn |
Thanh tra Chính phủ vừa chính thức công bố sự lãng phí và thiệt hại của hai dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam do bị “đắp chiếu, trùm màn” nhiều năm qua đã lên đến hơn 1.200 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Y tế phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 354 tỷ đồng.
Lần đầu tiên, sự lãng phí, thất thoát từ hai dự án đầu tư xây dựng nêu trên đã được chỉ ra những biểu hiện cụ thể như: Sai phạm trong việc trình, phê duyệt chủ trương thuê tư vấn nước ngoài lập dự án và tổ chức lựa chọn nhà thầu gây thiệt hại ngân sách khoảng 80 tỷ đồng; việc thực hiện hai dự án chậm so với tiến độ đã được phê duyệt do nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc dừng thi công từ tháng 1-2021 đến ngày 31-12-2024 làm phát sinh thêm chi phí ngoài hợp đồng gây lãng phí hơn 253 tỷ đồng;...
Bên cạnh lượng hóa các biểu hiện lãng phí gây hại cho nước, cho dân, cơ quan chức năng yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm để xử lý nghiêm minh, triệt để các cá nhân có liên quan đến lãng phí. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị cấp có thẩm quyền có hình thức xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo các cục, vụ của bộ này liên quan đến hai dự án theo từng thời kỳ gây thất thoát, thiệt hại tài sản của Nhà nước. Ngoài ra, một số cán bộ của cơ quan chức năng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính cũng phải xử lý trách nhiệm do liên quan đến việc thẩm định hai dự án đầu tư này.
Không ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng ta đặt nhiệm vụ chống lãng phí tương đương với nhiệm vụ chống tham nhũng, vì đây cũng là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, do đó nhất thiết phải nhận diện được những biểu hiện cụ thể, hệ quả rõ ràng của thực trạng lãng phí, từ đó kiên quyết xử lý nghiêm minh, triệt để đối với những cá nhân, tập thể gây thất thoát tài sản công. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu gỡ vướng cho hơn 1.500 dự án tồn đọng kéo dài theo hướng "sai tới đâu xử lý đó", không để tạo tiền lệ xấu.
Với phương châm “Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, việc nhận diện, xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến những thất thoát, thiệt hại từ hai dự án đầu tư xây dựng hai bệnh viện công ở tỉnh Hà Nam, được dư luận xã hội hết sức hoan nghênh, ủng hộ. Đây cũng là bước đi cần thiết, thể hiện động thái mạnh mẽ, ý chí quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc chiến đẩy lùi, ngăn chặn “quốc nạn” lãng phí.
Ý nghĩa sâu sắc hơn, việc lượng hóa lãng phí, xử lý triệt để các trường hợp liên quan đến sai phạm này còn là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với bất cứ cán bộ, đảng viên, công chức nào vẫn còn có thái độ ích kỷ, vô trách nhiệm theo kiểu “Của mình thì giữ bo bo/ Của người thì để cho bò nó ăn”, qua đó từng bước chấm dứt tình trạng “cha chung không ai khóc”, “của chùa chẳng ai quan tâm”.
ĐÌNH PHÒNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.