Sự gia tăng mạnh mẽ của lượng khách nội địa vào dịp Tết Nguyên đán là niềm vui đối với ngành du lịch các địa phương. Các dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, hướng dẫn viên du lịch... đều được hưởng lợi từ lượng khách lớn trong dịp này. Sự phát triển này còn tạo cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các cơ sở lưu trú, nhà hàng và dịch vụ du lịch.
 |
Ảnh minh họa: TTXVN |
Bên cạnh niềm vui đó, cũng tồn tại những nỗi lo không nhỏ mà các địa phương cần phải giải quyết để phát triển du lịch bền vững. Trước hết, sự đông đúc của du khách có thể gây ra tình trạng quá tải ở các điểm du lịch. Điều này không chỉ làm giảm chất lượng trải nghiệm của du khách mà còn tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ địa phương. Tình trạng kẹt xe, ùn tắc tại những điểm tham quan, hay thiếu thốn các dịch vụ cơ bản như ăn uống, vệ sinh, an ninh có thể làm mất đi sự hấp dẫn của điểm đến. Một nỗi lo nữa là ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và di sản văn hóa. Các địa phương không có sự chuẩn bị kỹ càng trong việc quản lý lượng khách du lịch có thể gặp phải tình trạng ô nhiễm, phá hoại cảnh quan thiên nhiên và di tích văn hóa. Ngoài ra, sự gia tăng du lịch trong dịp Tết cũng có thể gây mất cân bằng trong đời sống cộng đồng. Người dân địa phương có thể cảm thấy bị “quấy rầy” bởi sự xuất hiện đông đảo của khách du lịch, nhất là khi các khu vực du lịch phát triển không đồng đều và có sự tách biệt rõ rệt với đời sống người dân bản địa. Điều này đôi khi dẫn đến sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt, văn hóa và lối sống của cộng đồng.
Với khoảng 12,3% dân số đi du lịch dịp Tết Ất Tỵ 2025 và con số này sẽ ngày càng tăng trong tương lai, đặt ra những bài toán lớn không chỉ với ngành du lịch mà với cả nền văn hóa. Đó là nguy cơ phai nhạt văn hóa truyền thống, suy giảm không khí Tết tại gia đình và cộng đồng. Trước đây, Tết là dịp đoàn tụ đại gia đình, con cháu quây quần bên ông bà, nhưng nay nhiều người chọn du lịch thay vì về quê. Cùng với đó, sự biến tướng lễ hội và thương mại hóa văn hóa Tết biểu hiện như một số điểm du lịch lợi dụng yếu tố văn hóa để kinh doanh quá mức, nhiều chùa chiền bị biến thành nơi thương mại hóa lễ cúng, bùa chú... Một số lễ hội truyền thống bị thay đổi để phục vụ khách du lịch, làm mất đi tính thiêng liêng vốn có. Việc xa rời những nghi lễ Tết truyền thống có thể khiến thế hệ trẻ dần quên đi những phong tục tốt đẹp của ông cha. Nếu không có sự giáo dục và truyền dạy từ gia đình, có nguy cơ thế hệ sau chỉ xem Tết như một kỳ nghỉ đơn thuần thay vì một dịp quan trọng để gìn giữ cội nguồn.
Từ đây, đặt ra vấn đề cân bằng giữa du lịch và bảo tồn văn hóa Tết bằng cách khuyến khích du lịch kết hợp trải nghiệm văn hóa Tết. Thay vì du lịch đơn thuần, có thể tổ chức các tour du lịch văn hóa giúp khách du lịch vừa thư giãn vừa hiểu hơn về phong tục Tết Việt, tạo ra những trải nghiệm Tết ý nghĩa ngay tại điểm du lịch, thay vì chỉ là nghỉ dưỡng đơn thuần.
Xu hướng du lịch Tết ngày càng phát triển là điều tất yếu trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nếu không có định hướng đúng đắn, việc này có thể làm mai một những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chỉ khi có sự quản lý và phát triển du lịch một cách khoa học, hợp lý, các địa phương mới có thể tận dụng tối đa lợi ích kinh tế mà không làm tổn hại đến văn hóa, môi trường và đời sống cộng đồng.
HOÀNG HUY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.