Lễ hội được tổ chức ngoài phần lễ còn có phần hội, với những hội thi và các trò chơi truyền thống được diễn ra trong cả 3 ngày như: Thi làm chè kho, thi bơi, thi vật, thi bắt vịt nước, chơi cờ người, tổ tôm điếm, đấu vật… Ngoài các chương trình vui chơi còn có giao lưu văn nghệ hát quan họ giữa các làng, để lại nhiều ấn tượng với du khách thập phương.

Tiết mục biểu diễn trống tại lễ khai mạc lễ hội truyền thống đình Chèm năm 2023. 

Trong dịp Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 1 đến 3-7-2023 (tức từ ngày 14 đến 16-5 âm lịch), trong sáng qua (1-7), UBND phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống đình Chèm năm 2023 - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội truyền thống đình Chèm năm 2023 là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 10 thành lập quận Bắc Từ Liêm, thành lập phường Thụy Phương (27-12-2013 /27-12-2023), gắn với kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng bộ xã Thụy Phương - nay là phường Thụy Phương (1963 -2023).

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cùng lãnh đạo quận dâng hương tại lễ hội. 

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Phong, Chủ tịch UBND phường Thụy Phương, Trưởng ban tổ chức lễ hội nhấn mạnh, thông qua các hoạt động của lễ hội nhằm khơi dậy truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc của quê hương; qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước đối với các tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ thanh thiếu niên - tương lai của đất nước.

Chủ tịch UBND phường Thụy Phương Nguyễn Ngọc Phong phát biểu tại lễ khai mạc lễ hội truyền thống đình Chèm năm 2023.  

"Lễ hội từng bước giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa đặc sắc của địa phương với nhân dân Thủ đô và cả nước, làm cơ sở để phát triển văn hóa, du lịch trong tương lai. Đồng thời, tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo động lực thi đua, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương năm 2023...", ông Nguyễn Ngọc Phong nhấn mạnh.

Theo Ban tổ chức, Lễ hội truyền thống Đình Chèm năm 2023 được chia thành phần lễ và phần hội; các nghi lễ đặc trưng trong lễ hội bao gồm: Lễ rước nước trên sông Hồng, lễ rước văn, lễ cúng phát tấu, lễ yên vị, lễ mộc dục, lễ phóng sinh…Phần hội có các hoạt động sôi nổi và hấp dẫn như: Thi chơi cờ người, kéo co, nhảy bao bố, giao lưu văn nghệ... Sau phần rước kiệu, lễ hội truyền thống Đình Chèm 2023 diễn ra nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đánh cờ người, kéo co, nhảy bao bố, giao lưu văn nghệ… 

Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc một số hình ảnh về Lễ hội truyền thống Đình Chèm năm 2023:

Lễ hội đình Chèm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.
 

Đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự ngày khai hội.


 
Nghi lễ rước nước về Đình tại lễ hội. 
Lễ tế trong đình. 

Đây cũng là dịp để những người con xa quê hương tìm về nguồn cội cũng như du khách thập phương tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa truyền thống của mảnh đất và con người quận Bắc Từ Liêm. Lễ hội cũng là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp đồng bằng sông Hồng thời xa xưa.

Chị Nguyễn Thu Hương, người dân phường Thụy Phương cho biết, Lễ hội truyền thống Đình Chèm được tổ chức thường niên để tỏ lòng tri ân công đức đối với Đức Khang Hy Thiên Vương Lý Ông Trọng. Năm nào dù vào ngày thường hay cuối tuần, chị cũng sắp xếp công việc để mua đồ đến đình dâng lễ cầu sức khỏe, bình an cho bản thân và những người thân trong gia đình.

Chị Nguyễn Thu Hương, người dân phường Thụy Phương dâng lễ. 

Còn anh Trần Tuấn Anh (Gia Lâm, Hà Nội), du khách đến tham gia hội cũng bày tỏ: Đây là lễ hội truyền thống có nhiều ý nghĩa, mang đậm tính văn hóa dân tộc. Lễ hội năm nay trùng dịp cuối tuần nên tôi đã sắp xếp công việc đưa mẹ, vợ cùng các con đến tham gia.

Đình Chèm thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội – được coi là một trong số ít những ngôi đình cổ nhất Việt Nam, nơi thờ đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng – nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc và là người có công dẹp giặc ngoại xâm cứu nước.

Không chỉ là một vị tướng quân giỏi, Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng còn là người có rất nhiều công lao trong việc diệt trừ thủy quái, khuyến khích người dân làm ruộng, trồng dâu, làm điều lợi, bỏ điều hại, khiến người dân được sống ấm no, hạnh phúc.

Sau khi mất, ngài được nhà vua ban là Thượng Đẳng Phúc Thần Duệ hiệu là Hy Khang Thiên Vương, được nhân dân tôn vinh là Đức Thánh Chèm và dựng đền thờ ngay tại làng Chèm – nơi ông sinh ra và lớn lên.

PHẠM LANH