Đây là lễ hội truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang. Lễ hội Lồng tông bắt đầu bằng việc rước 9 mâm tồng từ đền Bách Thần (thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa) về sân vận động trung tâm huyện với màn múa lân (múa “xuống đồng”) của những nam thanh nữ tú. Các mâm tồng là sản vật của địa phương để dâng tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho nhân dân địa phương có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; cuối phần lễ là nghi lễ xuống đồng (cày ruộng) với mong muốn đường cày may mắn đầu năm sẽ mang lại dân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu...

* Đồng bào dân tộc Giáy ở xã biên giới Quang Kim (Bát Xát, Lào Cai) ngày mồng 8 tháng Giêng hằng năm cũng tổ chức ngày hội xuống đồng thi cày ruộng đầu xuân. Trước khi vào thi cày giỏi, đồng bào xã Quang Kim và vùng lân cận thực hiện nghi thức tế lễ, mở Hội xuống đồng, cầu mong sức khỏe cho mọi người, mọi nhà; ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

* Lễ hội đền Đông Cuông năm 2019 (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách. Đền Đông Cuông được đồng bào Tày Khao dựng lên cạnh bờ sông Hồng từ nhiều thế kỷ trước để thờ Mẫu Thượng Ngàn, Thần Vệ Quốc và các vị anh hùng người dân tộc Tày Khao có công giúp nhà Trần trong kháng chiến chống quân Nguyên (1258-1288).

* Hằng năm, cứ mồng 8 tháng Giêng, người dân làng Thị Cấm, xã Xuân Phương (nay là phường Xuân Phương, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội) lại đổ về sân đình thi kéo lửa thổi cơm. Tương truyền từ thời vua Hùng thứ 18, đôi vợ chồng tướng tiên phong là Phan Tây Nhạc và Hoa Dung trẩy quân qua làng đi dẹp giặc. Dân làng xin đi theo, tướng quân bèn mở cuộc thi thổi cơm để chọn người giỏi việc nuôi quân.

HÀ VƯƠNG (tổng hợp)