Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, Cổ Loa còn bảo tồn, gìn giữ được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, trong thời kỳ đầu dựng nước, vùng đất Cổ Loa ghi dấu đậm nét bởi trang sử hào hùng gắn liền với nhân vật lịch sử Thục Phán An Dương Vương, người kế tiếp thời đại Hùng Vương, có công lập nước Âu Lạc. Đức vua đã chuyển kinh đô từ Phong Châu (vùng Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ) về Cổ Loa; xây thành, chống giặc, gìn giữ chủ quyền dân tộc và phát triển sản suất nông nghiệp, mở rộng đất nước giai đoạn thế kỷ III trước Công nguyên.

leftcenterrightdel

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Đức vua An Dương Vương. 

Đức vua An Dương Vương đã được các triều đại phong kiến Lê - Nguyễn ban sắc phong Thần với sự tôn kính, ngưỡng mộ là “bậc hùng tài trong thiên hạ” có công dựng nước và ban lệnh cho nhân dân Cổ Loa đời đời phụng thờ tại đền Cổ Loa, duy trì phong tục, tập quán, được gọi là dân “tạo lệ” và được miễn trừ thuế, tạp dịch (các lệnh chỉ, lệnh dụ thời Lê, Nguyễn cho biết rõ điều này).

Theo “Ngọc phả cổ lục” lưu giữ tại đền Thượng, Khu di tích Cổ Loa, xã Cổ Loa, “ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch là ngày vua băng hà” - tức ngày húy kỵ của Đức vua An Dương Vương. Lễ dâng hương tưởng niệm Đức vua An Dương Vương là dịp tri ân bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, đồng thời, giáo dục thế hệ trẻ và cộng đồng dân cư địa phương, mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội nâng cao tinh thần dân tộc, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, phát huy giá trị lịch sử trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội nhấn mạnh, dân tộc ta có truyền thống cực kỳ quý báu đó là uống nước nhớ nguồn. Hằng năm, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh cùng Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức dâng hương tưởng niệm vua An Dương Vương nhằm phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam và có ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với thế hệ hôm nay và mai sau.

Đặc biệt, trong chương trình buổi lễ, các đại biểu đã tham quan và trải nghiệm bắn chiếc nỏ mô phỏng lại nỏ thần của An Dương Vương. Đây là sáng chế của kỹ sư Vũ Đình Thanh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế ngày 25-8-2022. Hiện tại mô hình mô phỏng nỏ thần An Dương Vương của kỹ sư Thanh cũng đang được trưng bày tại Bảo tàng trưng bày cổ vật Cổ Loa.
Kỹ sư Vũ Đình Thanh cho biết, chiếc nỏ sử dụng phương pháp bắn bằng ống tên, cho phép bắn cùng lúc nhiều mũi tên. Nhờ cách bắn này vận tốc của mũi tên nhanh ít nhất gấp đôi so với cách bắn nỏ thông thường, mũi tên cũng bay xa hơn. Phương pháp này còn cho phép làm nỏ có độ lớn không hạn chế, bắn cùng lúc số lượng mũi tên không hạn chế, tầm xa có thể lên đến hàng nghìn mét.
Đặc biệt, nỏ chỉ bắn được mũi tên bằng đồng vì tỉ trọng của đồng thắng được sức cản không khí, các vật liệu khác như tre, gỗ khi bắn với vận tốc lớn không bay được xa và chệch hướng vì bị tác động của lực cản không khí.

leftcenterrightdel
Anh Andrej Ngo, du khách đến từ Cộng hòa Czech trải nghiệm bắn nỏ mô phỏng lại nỏ thần An Dương Vương. 

Mũi tên được kỹ sư Thanh thiết kế theo giống hình dạng, kích thước, chất liệu của các mũi tên đã được khai quật ở Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đầu mũi tên có 3 cánh, cánh 1 ngắn hơn cánh 2, cánh 2 ngắn hơn cánh 3, tạo thành một bước của ốc vít để xuyên vào không khí, đồng thời mỗi cánh cong theo cùng chiều kết hợp với chuôi nhỏ dần đều nên khi bắn mũi tên bay quay quanh trục của mình khiến mũi tên ổn định và bay xa, không bị quay ngang. 
“Sau khi mũi tên bay với tốc độ nhanh và xa hàng trăm mét, đầu nhọn của mũi tên sẽ chúc xuống và cắm mạnh vào phía mục tiêu dưới đất chứ không phải mục tiêu trên cao. Bởi theo truyền thuyết, nỏ thần được đặt trên thành cao bắn xuống mục tiêu là quân địch ở phía dưới mặt đất” - kỹ sư Thanh giải thích.
Anh Andrej Ngo, du khách đến từ Cộng hòa Czech chia sẻ: “Tôi có mẹ người Cộng hòa Czech và bố người Việt Nam. Hồi bé, tôi đã được bố kể về câu chuyện nỏ thần An Dương Vương nên rất quan tâm vấn đề này. Tôi thấy rất hạnh phúc và may mắn khi đã đến Việt Nam tham dự Lễ dâng hương tưởng niệm Đức vua An Dương Vương và trải nghiệm việc bắn nỏ mô phỏng nỏ thần. Chắc chắn tôi sẽ quay lại thăm Việt Nam lần nữa và rủ thêm bạn bè đến để trải nghiệm”.

 

Tin, ảnh: LA DUY