Thượng úy QNCN Hoàng Hồng Ngọc đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về thành công của các nghệ sĩ, chiến sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội trong lần ra quân hùng hậu với 130 cán bộ, nghệ sĩ, nhân viên của Nhà hát cùng với 11 chiếc xe chở thiết bị từ Hà Nội vào TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, tham gia Liên hoan.
 |
Phó tổng đạo diễn Hoàng Hồng Ngọc thể hiện tiết mục tham gia Liên hoan. |
Phóng viên (PV): Các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã thắng lợi lớn tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 2). Lần đầu tiên một ca sĩ, nhạc sĩ trẻ mà được giao nhiệm vụ Phó tổng đạo diễn, cảm xúc của chị ra sao?
Thượng úy QNCN Hoàng Hồng Ngọc: Khi được lãnh đạo Nhà hát giao nhiệm vụ, tôi hoàn toàn bất ngờ và có thêm chút áp lực. Chỉ đến khi Liên hoan khép lại và chương trình thành công thì tôi mới cảm thấy yên tâm. Trong đêm bế mạc, chứng kiến các đồng đội lên nhận huy chương vàng, bạc, bằng khen… trong lòng tôi trào dâng niềm tự hào và hạnh phúc bởi có được thành công đó là nhờ sức mạnh của cả tập thể Nhà hát.
Đến với Liên hoan này, tôi đảm nhận vai trò Phó tổng đạo diễn, hỗ trợ ê kíp sáng tạo lên ý tưởng, tổ chức sản xuất, biên tập và sáng tác một số tác phẩm. Trong ê kíp sáng tạo lần này có rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ trẻ mong muốn được cống hiến.
PV: Là một nghệ sĩ trẻ, chị cảm thấy ra sao khi lãnh đạo Nhà hát tin tưởng giao cho mình nhiệm vụ quan trọng như vậy?
Thượng úy QNCN Hoàng Hồng Ngọc: Tôi hay nói đùa với lãnh đạo Nhà hát rằng, các anh chị thực sự "liều" khi giao trọng trách đó cho tôi bởi Liên hoan là một cuộc thi chuyên nghiệp có tính chuyên môn cao và được đánh giá bởi rất nhiều ban giám khảo là các chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên, lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội mời các trưởng phòng, ban, đội nhóm chuyên môn và cả các diễn viên cùng bàn, cùng làm và cùng chịu trách nhiệm. Ban lãnh đạo Nhà hát sẵn sàng lắng nghe và đón nhận tâm tư, nguyện vọng, ý tưởng của tất cả ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên. Qua đó, các anh chị chọn lọc và tin tưởng giao nhiệm vụ để những nghệ sĩ trẻ cùng đồng hành thực hiện chương trình. Tôi nghĩ, đó chính là “tâm và tầm” của lãnh đạo Nhà hát đã dám đổi mới, chấp nhận thử thách để trao cơ hội cho thế hệ kế cận.
 |
Các ca sĩ trẻ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội với tiết mục để lại dấu ấn sâu đậm với khán giả. |
PV: Để chuẩn bị cho chương trình, được biết Nhà hát đã đầu tư dàn dựng nhiều tiết mục đặc sắc, là một nghệ sĩ trẻ, chị có cảm thấy áp lực khi thực hiện?
Thượng úy QNCN Hoàng Hồng Ngọc: Trong chương trình lần này tuy có chút áp lực do mình còn "non” về vai trò đạo diễn. Ngoài ra, đôi khi còn chưa thực sự tự tin trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, NSƯT Hồng Hạnh - Chỉ đạo nghệ thuật và NSƯT Trần Quốc Đạt - Tổng đạo diễn chương trình đã hướng dẫn và đồng hành sát sao để ê kíp trẻ chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lần này. Tôi vô cùng biết ơn và tự hào khi thế hệ chúng tôi có cơ hội được tiếp bước truyền thống 70 năm của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội với hơi thở mới, năng động - sáng tạo - nhiệt huyết.
PV: Chương trình có tiết mục “Vững bước tiến quân hành” khắc họa hình ảnh chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng, kiên cường bằng âm nhạc, xin chị cho biết phần biểu diễn này có những nét gì đặc sắc?
Thượng úy QNCN Hoàng Hồng Ngọc: Đây là tiết mục ở phần 3 thể hiện khát vọng, niềm tin vào sức mạnh tập thể của Nhà hát, sức mạnh của tình đoàn kết và sức mạnh của Quân đội Việt Nam anh hùng. Mở đầu chương 3 là hình ảnh nghệ sĩ - chiến sĩ cất cao tiếng hát, thể hiện truyền thống anh dũng, kiên cường của quân đội ta. Tiếp đó là hình ảnh người lính thông tin thời đại 4.0 trong tiết mục múa khắc họa hình ảnh các chiến sĩ cùng nhau chiến đấu và hơn cả là tình yêu đất nước, quê hương.
 |
Các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội tại lễ bế mạc. |
Trong phần biểu diễn "Lửa Việt”, tôi biểu diễn cùng nhóm tam ca. Để tham gia tiết mục này, tôi đã chủ động đề xuất ý kiến với lãnh đạo Nhà hát được hát tam ca tại Liên hoan bởi tôi muốn dành thời gian tập trung cho vai trò sản xuất chương trình. Ban lãnh đạo Nhà hát đã đồng ý và tin tưởng cho tôi và 2 đồng đội (ca sĩ Tuấn Dũng - Ngọc Linh) cùng lên ý tưởng và dàn dựng.
Phần kết chương trình là một màn ca, múa, nhạc của tập thể diễn viên trong tác phẩm "Tâm hồn người lính", sáng tác của nhạc sĩ Đức Trịnh. Phần dàn dựng sân khấu của tiết mục đã tạo được ấn tượng mạnh cho ban giám khảo và khán giả. Trong đó có những phần phô diễn các đội ca - múa, và đặc biệt là phần tương tác khán giả. Khi đó, toàn bộ diễn viên di chuyển xuống sân khấu, đứng cạnh Ban giám khảo và khán giả trò chuyện… đó cũng là hình ảnh chúng tôi – những nghệ sĩ, chiến sĩ khi đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Tôi nghĩ rằng, âm nhạc kết nối khán giả và nghệ sĩ, tạo nên hiệu ứng đặc biệt, lúc đó cả hội trường cùng hòa nhịp vỗ tay. Sau khi tiết mục kết thúc, niềm hân hoan và những tràng pháo tay của Ban giám khảo và khán giả không ngớt, khán phòng như vỡ òa trong cảm xúc. Bây giờ, nghĩ lại khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào.
PV: Cả chương trình toát lên tâm hồn, trái tim những người nghệ sĩ, chiến sĩ luôn gắn cuộc đời mình với Tổ quốc và nhân dân. Là một nghệ sĩ, chị gửi gắm điều gì vào chương trình?
Thượng úy QNCN Hoàng Hồng Ngọc: Mỗi tiết mục trong chương trình là những tâm tư, tình cảm của các tác giả và nghệ sĩ thể hiện. Chương trình tham gia thi năm nay, chúng tôi muốn đem lại hình ảnh người lính thời đại mới trẻ trung, năng động, sáng tạo, đoàn kết và sức mạnh tập thể.
PV: Liên hoan đã khép lại với nhiều giải thưởng dành cho các nghệ sĩ, ca sĩ của Nhà hát và cũng mở ra một chặng đường mới cho mùa giải tiếp theo, đây có phải là động lực để chị và các nghệ sĩ tiếp tục phấn đấu trên chặng đường phía trước?
Thượng úy QNCN Hoàng Hồng Ngọc: Với việc giành được Huy chương vàng cho chương trình xuất sắc; chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc - Đại tá, NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh (Hồng Hạnh); nhạc sĩ phối khí xuất sắc - Thiếu tá, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn; huy chương vàng cho các tiết mục: Múa nam "Thước Ngắm" (biên đạo Tạ Xuân Chiến); múa "Em và Núi" (biên đạo Thúy Hằng); song ca “Thương nhớ hậu phương” (sáng tác: Trần Khánh Ly, biểu diễn Hồng Duyên - Thanh Tài); huy chương bạc các tiết mục: Múa “Tần số” do nghệ sĩ Phi Trường và Bích Hạnh biểu diễn; đơn ca “Màu áo xanh - Em yêu anh”, ca sĩ Thu Thủy và nhóm bè thể hiện; hợp xướng và dàn nhạc “Tự hào người lính thời đại mới” do ca sĩ Viết Danh, Hồng Ngọc và tập thể nghệ sĩ biểu diễn… và rất nhiều huy chương cho các tiết mục đã thêm một lần nữa khẳng định những quyết định, chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo Nhà hát, tạo cơ hội, động lực cho thế hệ trẻ được phát triển .
Chúng tôi tự hào được đóng góp sáng tạo trong thành công chung của Nhà hát. Thế hệ tiền bối có thể tự tin giao cho chúng tôi viết tiếp trang sử 70 năm vẻ vang của đơn vị nghệ thuật có bề dày thành tích.
Vũ khí của nghệ sĩ, chiến sĩ chúng tôi trong thời đại mới là sức trẻ, trí tuệ, bản lĩnh, đoàn kết và khát vọng cống hiến.
PV: Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
KHÁNH HUYỀN (thực hiện)