QĐND - Nghề làm gốm, những tưởng chỉ nổi tiếng ở vùng đất Bát Tràng (Gia Lâm-Hà Nội) nhưng lên Tây Nguyên mới biết, từ lâu đời, người M’nông định cư bên hồ Lắc, xã Yang Tao, huyện Lắc (Đắc Lắc) cũng đã biết chế tác nhiều vật dụng hữu ích bằng đất nung.
Anh Y Khương H’long, Phó chủ tịch UBND xã Yang Tao cho biết: Hiện nay, toàn xã có gần 2000 hộ với hơn 8000 nhân khẩu, trong đó đồng bào M’nông chiếm 95%, tỷ lệ hộ nghèo còn 35,5%. Nguồn thu nhập chính của bà con xã Yang Tao vẫn chủ yếu dựa vào việc trồng lúa nước, mía và chăn nuôi trâu, bò. Ngoài ra, ở một số buôn như Yôk Đôn, Dơng Bắc, bà con còn giữ được nghề làm gốm, đã tạo thêm nguồn thu vào thời gian nông nhàn. Tuy nhiên, cũng theo lời Phó chủ tịch Y Khương H'long, nghề làm gốm hiện nay so với trước đây đang bị mai một, bởi đầu ra khó tiêu thụ, những nghệ nhân làng nghề cũng vơi dần theo năm tháng. Bây giờ, số người biết làm gốm chỉ đếm trên đầu ngón tay, lớp trẻ không có lòng đam mê nữa.
 |
Các nghệ nhân làng gốm Yang Tao giới thiệu sản phẩm gốm với khách du lịch. |
Ngồi trong ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào M’nông ở buôn Dơng Bắc, chúng tôi được các nghệ nhân H’Lưm Uông, H’Phiết Uông, H’Huyên Bhốk tâm sự về những trăn trở của nghề gốm của buôn làng: Nghề làm gốm ở Yang Tao thịnh hành nhất là vào những thập niên 30, 40 của thế kỷ XX. Hầu như nhà nào cũng có người biết làm gốm. Sản phẩm làm ra, ngoài việc phục vụ chính nhu cầu của các gia đình, bà con, còn mang đến các buôn làng khác để đổi lấy lúa, gạo hoặc heo, gà. Những đồ gốm được làm nhiều nhất là bát, chén, ấm, ché, chum đựng nước, nồi ghè, chảo, bình hoa, cho đến những con vật như trâu, bò, voi, hổ. Phương pháp làm đồ gốm cũng khá đơn giản: Sau khi các vật dụng được nhào nặn, chế tác bằng đất sét theo ý tưởng của nghệ nhân, sẽ được đem phơi khô rồi nung bằng rơm hoặc cây lồ ô, tiếp đến công đoạn cuối cùng là ủ bằng than trấu để tạo màu đặc trưng cho gốm. Do phần lớn sản phẩm đồ gốm Yang Tao được sử dụng phục vụ sinh hoạt nên sau này, khi có đồ đồng, nhôm, i-nốc..., những vật dụng bằng gốm dần dần được thay thế dẫn tới nghề làm gốm bị mai một.
Cho đến những năm gần đây, qua khảo sát, nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Đắc Lắc, ý tưởng khôi phục nghề làm gốm ở Yang Tao đã được gợi mở. Một số nghệ nhân, mà chủ yếu là người cao tuổi như Y Phiết Uông (năm nay ngoài 70 tuổi) trở thành những người đi tiên phong trong phục dậy làng nghề. Huyện Lắc vốn là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn của Tây Nguyên, nơi có hồ Lắc mênh mông giữa đại ngàn, hằng năm đón cả chục vạn du khách trong và ngoài nước, cũng là điều kiện thuận lợi để bà con làng gốm Yang Tao giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài việc bán đồ gốm cho khách du lịch, các nghệ nhân ở Yang Tao còn được một số trường học mầm non đặt chế tác những con vật (bằng gốm) để phục vụ việc học tập của học sinh. Một số cửa hàng tạp hóa, nơi bán đồ lưu niệm ở trung tâm huyện Lắc và thành phố Buôn Ma Thuột cũng đứng ra tiêu thụ đồ gốm cho bà con làng gốm Yang Tao. Một tin vui nữa là ngành văn hóa tỉnh Đắc Lắc đã tính đến Đề án Bảo tồn làng nghề truyền thống Yang Tao, nhằm tạo một nét hấp dẫn, một điểm khám phá về văn hóa truyền thống của đồng bào M’nông trên Tây Nguyên.
Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH-THU THỦY