Chỉ đạo nghệ thuật của Vietart Đoàn Thúy Phương luôn khát vọng lan tỏa giá trị nghệ thuật cải lương tới đông đảo khán giả.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Đoàn Thúy Phương rất háo hức, bởi trong chương trình “Ngôi sao phương Nam số 10”, chị và ê kíp nghệ sĩ đã đưa vở cải lương nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh – “Tiếng trống Mê Linh” biểu diễn phục vụ khán giả phía Bắc, vào hai đêm diễn 15 và 16-10 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Phóng viên (PV): Có thể nói “Ngôi sao phương Nam” đã trở thành “thương hiệu” nghệ thuật của Vietart và nhiệt huyết của chị trong việc lan tỏa giá trị của nghệ thuật cải lương đến với công chúng nhiều năm qua. Tại sao chị lại chọn cải lương mà không phải loại hình nghệ thuật khác?

Chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Thúy Phương: “Ngôi sao phương Nam” là chuỗi sự kiện thường niên được tổ chức nhằm quảng bá, giữ gìn và bảo tồn bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương. Tổ chức chương trình, chúng tôi luôn chọn những gương mặt nghệ sĩ cải lương tên tuổi cùng những tiết mục, trích đoạn nổi tiếng của nghệ thuật phương Nam để giới thiệu đến khán giả.

Thực sự khi tổ chức chương trình này trong hơn 10 năm qua, tôi cảm nhận được niềm mong ước, đam mê của khán giả đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Tôi đã rất xúc động và rơi nước mắt khi nhìn những hình ảnh con cháu dìu bà, mẹ của mình đến nhà hát xem “Ngôi sao phương Nam”; có những người đưa cha mẹ 80-90 tuổi, thậm chí có người phải ngồi xe lăn cũng rất háo hức đến xem cải lương. Nhiều lần kết thúc buổi diễn dù đã muộn, nhưng có bác vẫn nán ở lại để gặp, tặng hoa cho tôi nói lời cảm ơn vì đã tổ chức nên chương trình mà họ yêu thích, họ được mắt thấy tai nghe những thần tượng cải lương một thời mà họ dành sự ngưỡng mộ các trích đoạn trong những vở cải lương nổi tiếng, như: NSND Lệ Thủy - NSƯT Trọng Hữu trong “Tô Ánh Nguyệt”; NSND Bạch Tuyết với “Hoàng hậu hai vua”; nghệ sĩ Trinh Trinh, Vũ Luân, Võ Minh Lâm trong “Phàn Lê Huê”; NSƯT Kim Tử Long và Quế Trân với “Bến phà kỷ niệm”; nghệ sĩ Vũ Luân - Trinh Trinh trong “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”… Hầu hết các nghệ sĩ hay trích đoạn cải lương này đều có trong ký ức của những người yêu nghệ thuật cải lương.

Vì vậy, dù việc tổ chức các buổi diễn cải lương nhiều thách thức nhưng tôi luôn cố hết sức mình để có thể đáp ứng được tình yêu, đam mê nghệ thuật cải lương đối với thế hệ cha mẹ mình.

PV: 9 số trước chị tổ chức chương trình với sự tham gia của các gương mặt nghệ sĩ diễn những trích đoạn, nhưng ở lần thứ 10 này lại chọn vở diễn?

Chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Thúy Phương: Thực tế “Ngôi sao phương Nam số 10” tổ chức lần này là sự nỗ lực rất lớn giữa chúng tôi và cá nhân NSƯT Kim Tử Long. Bởi đây là chương trình đánh dấu sự trở lại sau 3 năm tạm ngừng vì đại dịch Covid-19, nhưng cũng khẳng định sự đam mê nghệ thuật truyền thống dân tộc của các nghệ sĩ biểu diễn sân khấu.

Các nghệ sĩ phía Nam hầu hết hoạt động trong các đơn vị tư nhân, đại dịch vừa qua họ đã rất vất vả, dừng diễn nghĩa là không có thu nhập. Nhưng ngọn lửa nghề của họ vẫn luôn “cháy”; ngay cả trong thời gian đối diện với những bất trắc của đại dịch họ vẫn cùng nhau tạo nên những buổi diễn không khán giả để ghi âm, thu hình, hát ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, kết nối với nhau để làm những sản phẩm nghệ thuật, trong đó có cải lương để gửi đến khán giả, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch, lạc quan tinh thần vượt qua đại dịch.

Cuộc sống trở lại bình thường, họ đã kịp thời bắt tay dàn dựng các chương trình, vở diễn để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” là ví dụ điển hình của sự vươn dậy mang đến màu sắc tươi mới cho nghệ thuật cải lương, nghệ sĩ phía Nam sau đại dịch.

 NSƯT Kim Tử Long đảm nhận vai trò đạo diễn và vào vai Thi Sách trong vở diễn.

Đặc biệt trong đó là NSƯT Kim Tử Long, anh vừa là đạo diễn của “Tiếng trống Mê Linh” vừa là người nghệ sĩ đam mê cải lương và đồng điệu với mục đích của chúng tôi – đó là lan tỏa sức hấp dẫn của cải lương đến với khán giả cả nước. Khi chúng tôi kết hợp đưa vở diễn ra Hà Nội lần này, hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên của vở và anh Kim Tử Long rất háo hức. Bởi đây cũng là thời gian có thể nói đẹp nhất trong năm – mùa Thu Hà Nội, thêm nữa cũng là dịp Hà Nội đang có nhiều hoạt động kỷ niệm nhân Ngày giải phóng Thủ đô, Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10).

“Tiếng trống Mê Linh” có ý nghĩa rất lớn không chỉ với các nghệ sĩ mà với toàn bộ ê kíp thực hiện chương trình. Vở diễn kinh điển nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng, khơi gợi lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong lòng mỗi người với quyết tâm son sắt “Nước Nam độc lập muôn đời”.

PV: Mang một vở diễn hoàn chỉnh, đồng nghĩa với việc lo cho một dàn nghệ sĩ, diễn viên cùng đạo cụ… ra trước nhiều ngày để làm sân khấu, sẽ khá là tốn kém và chắc hẳn gặp ít nhiều khó khăn?

Chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Thúy Phương: Đúng là chúng tôi cũng gặp khá nhiều trở ngại. Bởi những lần tổ chức trước đây diễn các tác phẩm, trích đoạn đạo cụ cũng như việc đi lại của nghệ sĩ đơn giản hơn nhiều. Nhưng với vở diễn, việc lắp ráp sân khấu, vận chuyển đạo cụ theo đúng thiết kế ban đầu chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra cũng tốn kém chi phí. Mặt khác, là vấn đề cấp phép biểu diễn, với vở diễn đơn vị cấp phép sở tại (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) yêu cầu phải được tổng duyệt trước 3 ngày, đồng nghĩa các nghệ sĩ, diễn viên phải có mặt tại Hà Nội trước 4 ngày để tập luyện, khiến cho nhiều người phải thu xếp công việc riêng của họ.

Tuy nhiên mọi khó khăn chúng tôi đều có thể giải quyết. Hy vọng những tâm huyết với nghệ thuật truyền thống của chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ của các cấp quản lý và khán giả.

 "Tiếng trống Mê Linh" hứa hẹn mang đến nhiều yếu tố hấp dẫn tới khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

PV: “Tiếng trống Mê Linh” là vở diễn khá đình đám gắn với tên tuổi cố nghệ sĩ Thanh Nga, ăn sâu vào lòng người, và được biết hiện nay TP Hồ Chí Minh có 2 đơn vị nghệ thuật song hành biểu diễn vở cùng tên. Vậy tại sao Vietart lại chọn “Tiếng trống Mê Linh” của đạo diễn, NSƯT Kim Từ Long?

Chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Thúy Phương: Thứ nhất, khi kết hợp với anh Kim Tử Long trong suốt 10 chương trình “Ngôi sao phương Nam” chúng tôi đều có chung đam mê lan tỏa nghệ thuật cải lương tới đông đảo công chúng. Thứ nữa, tôi rất phục tài năng đạo diễn của anh, cũng như nhân vật Thi Sách mà anh hóa thân. Chắc chắn khán giả đến sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội trong hai đêm diễn 15 và 16-10 tới sẽ thấy rõ tài năng của người nghệ sĩ được ví như “ông hoàng cải lương” với những giây phút thăng hoa trong vở diễn.

Ngoài ra còn có những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng khác như: NSƯT Ngọc Huyền (hóa thân vai Trưng Trắc), NSƯT Hữu Châu, danh hài Đại Nghĩa, quán quân Sao nối ngôi Bình Tinh, nghệ sĩ Trinh Trinh, Xuân Trúc, Chí Bảo, Tô Thiên Kiều, Ngọc Nga, Thi Nhung, Huyền Trâm, Lê Văn Hậu…

So với nhạc trẻ, cải lương vẫn là bộ môn nghệ thuật kén khán giả. Việc đem một ê kíp nhiều ngôi sao từ miền Nam ra, lại chú trọng đầu tư sân khấu không phải là điều đơn giản trong lúc này. Tuy nhiên, đây là vở diễn được chúng tôi đầu tư lớn, đem những yếu tố hiện đại như màn hình led, cộng thêm phục trang mới, dàn dựng lại nhưng không biến tấu làm mất yếu tố cốt lõi của kịch bản.

Làm sân khấu nghệ thuật truyền thống chúng tôi sẽ làm nó mới hơn, đẹp hơn nhưng vẫn giữ hồn cốt của “Tiếng trống Mê Linh” vì biến tấu khác đi thì sẽ không còn là vở kinh điển nữa.

VƯƠNG HÀ (thực hiện)