leftcenterrightdel

TS Đỗ Anh Vũ; nhà văn, nhà biên kịch Thảo Trang và nhà văn Đức Anh bàn về vấn đề bản địa, thuần Việt trong văn học nghệ thuật.

Trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội lần thứ VIII năm 2023, đang diễn ra tại phố đi bộ hồ Gươm, Linh Lan Books đã tổ chức tọa đàm “Bản địa, dân gian và thuần Việt - một nhu cầu của văn học thị trường Việt Nam đương đại”. Tọa đàm diễn ra sôi nổi với sự tham gia của TS Đỗ Anh Vũ; nhà văn, nhà biên kịch Thảo Trang và nhà văn Đức Anh cùng đông đảo bạn đọc.

TS Đỗ Anh Vũ nhận định, vấn đề bản địa, dân gian và thuần Việt trong sáng tác văn học là một trong những nội dung tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn sáng tác trẻ. Các tác giả trẻ hiện nay đã có những bước dấn thân mạnh mẽ và gặt hái thành công trên cả về nội dung lẫn yếu tố thương mại.

“Trong hệ thống từ ngữ sử dụng hiện nay, từ Hán Việt chiếm số lượng lớn nhưng tiếng Việt vẫn không bị đồng hóa. Ngôn ngữ phân định với nhau bởi 2 yếu tố: Từ vựng cơ bản và ngữ âm. Việc sử dụng từ Hán Việt trong văn chương và đời sống rất bình thường, nhưng quan trọng là chúng ta sử dụng làm sao để phù hợp, gần gũi và dễ hiểu nhất”, TS Đỗ Anh Vũ cho hay.

leftcenterrightdel
 Nhà văn, biên kịch Thảo Trang chia sẻ về kinh nghiệm trong sáng tác văn học.

Đồng tình với quan điểm của TS Đỗ Anh Vũ, nhà văn, biên kịch Thảo Trang chia sẻ, trong tiểu thuyết “Tết ở làng địa ngục” với bối cảnh cổ trang cô sử dụng khá nhiều từ Hán Việt nhưng nhà văn ý thức sử dụng liều lượng, cách thức ra sao để phù hợp, khiến độc giả thấy thú vị. Tác phẩm ăn khách này đã được bấm máy và là phim thứ 5 Truyền hình K+ đầu tư sản xuất dưới thương hiệu K+ORIGINAL, đánh dấu lần đầu tiên có một tác phẩm phim truyền hình thuộc dòng kinh dị cổ trang, phát sóng trên kênh K+CINE và App K+ của Truyền hình K+ vào tháng 10.

“Hiện nay có rất nhiều nhà xuất bản, các hãng phim muốn tìm kiếm các bản thảo, kịch bản mang yếu tố thuần Việt, những người viết trẻ hãy tận dụng cơ hội và mạnh dạn viết. Muốn được đầu tư làm phim hay xuất bản sách, người viết cần phải chú ý và chú trọng nhất yếu tố thuần Việt. Có như thế thì chúng ta mới thành công ngay trên sân nhà mình. Và như vậy cũng góp phần lan tỏa và phát huy giá trị văn hóa bản địa trên các tác phẩm, sản phẩm văn học nghệ thuật”, nhà văn, biên kịch Thảo Trang nói.

Theo nhà văn Đức Anh, đại diện Linh Lan Books: “Một yếu tố được cho là làm nên thành công của các tác giả trẻ như Thảo Trang, đó là khai thác những đề tài, bối cảnh có trong văn hóa bản địa Việt Nam, hành văn bằng lối kể dung dị, gần gũi được cho là gần với lời ăn tiếng nói của người Việt. Trong số hơn 120 bài bình luận về tác phẩm của Thảo Trang, chúng tôi đọc được đến hơn 100 bài viết có nhắc đến từ khóa này”.

leftcenterrightdel
Nhà văn, biên kịch Thảo Trang nhấn mạnh về những yếu tố thuần Việt sẽ luôn có giá trị và thu hút công chúng. 

Có thể thấy, những năm gần đây lực lượng sáng tác trẻ đã đưa nhiều yếu tố dân gian, thuần Việt lên các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Ấn tượng là những sản phẩm âm nhạc lấy chất liệu dân gian dân tộc, các loại hình nghệ thuật truyền thống ngay lập tức đã tạo “hot trend” với hàng triệu người truy cập.

Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam cũng trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà sáng tác văn hóa, nghệ thuật lấy ý tưởng, hoặc chuyển thể thành kịch bản sân khấu, điện ảnh… Một ví dụ điển hình là thời điểm này, khán giả đang háo hức đón chờ bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, phóng tác từ tác phẩm văn học nổi tiếng cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi…

leftcenterrightdel
 Tiểu thuyết ăn khách của nhà văn Thảo Trang đã được chuyển thể thành phim.

“Dù chúng ta ở bất cứ nơi đâu nhưng sử dụng ngôn ngữ Việt, chìm đắm vào văn hóa Việt, góp phần quảng bá văn hóa Việt thì Tổ quốc chúng ta luôn ở trong tim”, biên kịch Thảo Trang hào hứng khi nói về những giá trị thuần Việt, bản địa đang ngày được các bạn trẻ chú tâm, sáng tạo.

Cũng tại buổi tọa đàm, trả lời câu hỏi của độc giả về trước tình trạng mạng xã hội lên ngôi, người ta thích lướt Tiktok, Facebook hơn là đọc sách, làm thế nào để sách phát huy giá trị trong đời sống đương đại, TS Đỗ Anh Vũ cho rằng, dù các phương tiện nghe nhìn phát triển đến đâu thì sách giấy vẫn được người đọc yêu thích. Rất nhiều cuốn sách không thể tìm được trên mạng và độc giả vẫn đọc theo hình thức truyền thống, lật giở từng trang với những cảm xúc rất riêng.

leftcenterrightdel
 Tọa đàm được Linh Lang Books tổ chức thu hút đông đảo độc giả tham gia.

Để phát triển văn hóa đọc thì bản thân người viết và các đơn vị xuất bản cũng phải liên tục cập nhật, thay đổi để đưa sách tới gần với đời sống hơn. Đó là lý do những hội sách, CLB đọc sách vẫn liên tục được mở ra.

Các cơ quan chức năng đã thúc đẩy tình yêu sách, làm tất cả những gì có thể để mọi người quan tâm đến sách, đến văn học nhiều hơn. Ngày sách và văn hóa đọc được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức dịp 21-4; Hội sách Hà Nội được UBND TP Hà Nội tổ chức hằng năm vào tháng 10… Từng chút một, với nỗ lực của các đơn vị liên quan đã vàng đang thúc đẩy sự ham học, phát triển văn hóa đọc.

HÀ ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.