Chương trình được tổ chức nhân 10 năm Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, do Báo Quân đội nhân dân phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị tổ chức vào 20 giờ 30 phút ngày 7-6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
 |
Tiết mục ca múa nhạc mở đầu chương trình. |
Đến dự chương trình có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm TCCT; Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương; Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm TCCT; Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Trưởng ban tổ chức chương trình; Nguyễn Hữu Hải, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam; đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội.
 |
Các đại biểu tham dự Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10, phát động Cuộc thi viết “Noi theo gương sáng Bác Hồ” và Chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Trọn đời theo gương Bác”. |
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Tôi vui mừng được biết, trong số các tác phẩm tham dự cuộc thi và đạt giải, khá nhiều tác phẩm viết về các tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trong công tác dân vận, trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; phát huy vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
 |
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại chương trình. |
“Tôi ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, cách làm sáng tạo của Báo Quân đội nhân dân và các cơ quan, đơn vị phối hợp, đã tạo nên thành công của Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý", góp phần nhân rộng các điển hình tiêu biểu, những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh...”, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định.
Trong chương trình, ngoài việc tổng kết, trao thưởng cho những tác giả đoạt giải, khán giả đã có dịp nhìn lại chặng đường 10 năm phát động cuộc thi viết, với những nhân vật điển hình vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, có những đóng góp tích cực cho xã hội.
 |
Đồng chí Trương Thị Mai và Thiếu tướng Phạm Văn Huấn trao giải Nhất cho tác giả Dương Út. |
Sau 10 lần tổng kết và trao giải, cuộc thi đã phát hiện và tôn vinh hàng nghìn tấm gương bình dị mà cao quý, từ đó lan tỏa giá trị nhân văn trong đời sống xã hội. Hành trình 10 năm Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã tạo tiếng vang sâu rộng, để lại dư âm tốt đẹp trong lòng độc giả cả nước.
Trong cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10, Ban tổ chức nhận được nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, đã được chọn đăng trên các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân, tạo nên hiệu ứng dư luận tích cực, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ LLVT.
Sau 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Hội đồng giám khảo đã quyết định trao 21 giải thưởng cho các tác giả xuất sắc, gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 15 giải Khuyến khích.
Với tác phẩm “Ông vua” lúa giống miền Tây”, tác giả Dương Út (Báo Đồng Tháp) đoạt giải Nhất cuộc thi. Anh bày tỏ: Đây là lần đầu tiên tôi tham dự cuộc thi này và bất ngờ khi đoạt giải Nhất. Khi tìm hiểu tư liệu để viết bài về nhân vật Nguyễn Anh Dũng, 60 tuổi, ở xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp miệt mài nghiên cứu và lai tạo thành công nhiều loại giống lúa chất lượng cao và được bà con tôn vinh là “ông vua” lúa giống ở miền Tây, tôi nghĩ rằng, lúc đó chưa có ý định gửi tham gia cuộc thi này nhưng sau khi viết xong, tôi thấy tâm đắc với bài viết nên quyết định gửi tham gia cuộc thi. Khi Ban tổ chức thông báo kết quả cao nhất, tôi rất vui mừng và cảm thấy thật vinh dự. Giải thưởng này là động lực để tôi tiếp tục sự nghiệp của người cầm bút.
Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10, phát động cuộc thi viết “Noi theo gương sáng Bác Hồ” và Chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Trọn đời theo gương Bác” gồm 3 phần: Mười năm tươi thắm ngàn hoa; Đẹp nhất tên Người; Trọn đời theo Bác. Trong chương trình, khán giả được thưởng thức các ca khúc đặc sắc do ca sĩ Anh Thơ, Quỳnh Anh, NSƯT Đăng Dương và các nghệ sĩ đến từ Nhà hát ca múa nhạc Quân đội biểu diễn.
Trong khuôn khổ chương trình, khán giả cũng được xem phóng sự ngắn về cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc học tập, rèn luyện theo tấm gương Bác Hồ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
 |
Nhà báo Hà Đăng, cô giáo Trần Thị Thúy, nhà báo Dương Út (Báo Đồng Tháp) giao lưu trong chương trình. |
Là một nhà báo lão thành tham gia chấm chung khảo 10 Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ủy viên Hội đồng chung khảo Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10 chia sẻ: Những tấm gương người tốt việc tốt còn nhiều lắm, những tấm gương đó ở đâu cũng có, trong từng ngành, từng địa phương... Nếu những người tốt, việc tốt được biểu dương kịp thời sẽ phát huy tinh thần, việc làm ý nghĩa của họ. Cuộc thi này chính là bắt nguồn từ tư tưởng của Bác Hồ về người tốt, việc tốt. Vì vậy, đã thu hút sự ủng hộ của nhiều độc giả, đó chính là thành công của cuộc thi.
Tham gia giao lưu với khán giả trong chương trình, cô giáo Trần Thị Thúy, giáo viên Trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên chia sẻ về kinh nghiệm để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Cô giáo Trần Thị Thúy luôn tìm tòi phương pháp đổi mới trong học tập để các em phát huy năng lực tự học.
Quê hương của cô giáo Trần Thị Thúy vinh dự 10 lần được Bác Hồ về thăm. Khi về thăm xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, Bác Hồ nói: Nghĩa Dân là dân có nghĩa với đất nước; vì lợi 10 năm phải trồng cây, vì hạnh phúc trăm năm phải trồng người.
 |
Trung tướng Đỗ Căn trao giải Nhì cho hai tác giả Bùi Hữu Dương (Báo Quân đội nhân dân) và tác giải Đỗ Văn Dinh. |
Với tác phẩm “Người bác sĩ nặng lòng với vùng trũng y tế”, nhà báo, Trung tá Bùi Hữu Dương (Báo Quân đội nhân dân) tự hào và vui mừng khi tác phẩm của mình đoạt giải Nhì cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10. Trung tá Bùi Hữu Dương chia sẻ, đây là cuộc thi có ý nghĩa, góp phần lan tỏa những hành động đẹp, những việc làm nhân văn trong cuộc sống.
“Tôi biết đến những hoạt động nhân đạo của Hội Bác sĩ tình nguyện (BSTN) từ năm 2017. Kể từ đó, tôi luôn dõi theo, tham gia các chương trình và viết bài về Hội BSTN. Tôi mong rằng sẽ có nhiều người hơn biết tới những hoạt động của Hội BSTN và những hoạt động nhân văn tương tự, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Trung tá Bùi Hữu Dương cho biết.
 |
Các tác giả nhận giải Ba. |
Sau thành công rực rỡ của 10 Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Từ cuộc thi viết lần thứ 11, Ban tổ chức quyết định đổi tên thành Cuộc thi viết “Noi theo gương sáng Bác Hồ” nhằm tiếp tục biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Ban tổ chức bắt đầu nhận bài dự thi từ ngày 30-5-2019, hằng năm sẽ tổng kết và trao 1 giải Đặc biệt trị giá 50 triệu đồng và 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 15 giải Khuyến khích.
 |
NSND Thu Hiền, NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Trọng Tấn cùng tốp múa Nhà hát ca múa nhạc Quân đội biểu diễn các ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Đường chúng ta đi” . |
Các ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Đường chúng ta đi” do NSND Thu Hiền, NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Trọng Tấn cùng tốp múa Nhà hát ca múa nhạc Quân đội biểu diễn đã khép lại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10, phát động Cuộc thi viết “Noi theo gương sáng Bác Hồ” và Chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Trọn đời theo gương Bác”.
 |
Ban tổ chức tặng hoa các đại biểu, cá nhân đoạt giải. |
 |
Các đại biểu tặng hoa các nghệ sĩ, ca sĩ biểu diễn trong chương trình. |
Sức sống của hàng nghìn “bông hoa bình dị mà cao quý”, sẽ mãi mãi tỏa hương và lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn như di nguyện của Bác Hồ kính yêu.
Sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 21 tác phẩm xuất sắc nhất để Ban tổ chức trao giải, gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 15 giải Khuyến khích.
Giải Nhất được trao cho tác phẩm: “Ông vua” lúa giống miền Tây” (tác giả Dương Út); 2 giải Nhì gồm các tác phẩm: “Người bác sĩ nặng lòng với vùng trũng y tế” (tác giả Hữu Dương); “Luôn xứng là công bộc của dân” (tác giả Đỗ Văn Dinh); 3 giải Ba gồm các tác phẩm: “Chất “lửa, hoa và thép” của một kiều bào Đức” (tác giả Linh Oanh); “Kình ngư trẻ Nguyễn Huy Hoàng-niềm tự hào của thể thao Việt Nam” (tác giả Trần Văn Bình); “Tuổi trẻ dấn thân và luôn khát khao cống hiến”(tác giả Hồ Cầm); 15 giải Khuyến khích gồm các tác phẩm: “Chàng trai khuyết tật và động lực cuộc sống” (tác giả Phan Huyền); “Thầy hiệu trưởng gần 20 năm đi xây dựng trường chuẩn quốc gia” (tác giả Thúy Hằng); “Việc làng, “đất vàng” cũng hiến” (tác giả Phan Tiến Dũng); “20 năm đồng hành cùng người Chứt” (tác giả Viết Lam); “Trưởng bản ở vùng biên” (tác giả Văn Tuấn); “Trưởng ban hành giáo tiêu biểu của giáo họ “4 không” (tác giả Nguyễn Thương-Cẩm Tú); “Ông Chín cầu đường” (tác giả Lê Cường); “Vị lương y lấy “đức” làm đầu” (tác giả Hà Anh); “Nơi có phép màu chữa lành những nỗi đau từ lửa” (tác giả Vương Thúy); “Người đi xây tổ ấm” (tác giả Thúy An); “Chị Chư “hai giỏi” ở Pá Hu” (tác giả Nguyễn Hồng Sáng); “Ba thế hệ trong một gia đình tự nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ” (tác giả Xuân Vui); “Nét bình dị của “Công dân Thủ đô ưu tú” (tác giả Thái Minh-Hà Thanh); “Người gây dựng nhóm thiện nguyện “ong chăm” (tác giả Đức Hà-Đào Hiệp).
Trưởng ban tổ chức chương trình cũng khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu đồng hành cùng Cuộc thi viết.
|
KHÁNH HUYỀN - TRỌNG HẢI (thực hiện)