Tác phẩm thơ múa “Họa tình nhân gian” do Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lữ Thị Kiều Lê viết kịch bản, đạo diễn; âm nhạc Cao Xuân Dũng và ê kíp biên đạo Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Thị Hiền Trang, NSƯT Phạm Thanh Tùng và NSƯT Nguyễn Thị Thanh Hằng; Đại tá, NSND Thu Hà chủ nhiệm chương trình. Các diễn viên Nguyễn Thị Mỹ Linh, Nguyễn Viết Hải Sơn, Nguyễn Thị Hoàng Yến, bé Phạm Bảo Anh… hóa thân vào các vai diễn trong vở múa.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel

Thơ múa "Họa tình nhân gian" phác họa vùng quê Kinh Bắc với cuộc sống bình yên của làng nghề truyền thống.

Trong không gian âm nhạc, ánh sáng huyền ảo đậm chất thơ, ê kíp nghệ sĩ của nghệ thuật múa với ngôn ngữ hình thể đã lột tả tài hoa của những nghệ nhân làm tranh, những người làng tranh Đông Hồ truyền thống gửi vào những bức tranh lấp lánh, rực rỡ sắc màu tình cảm của mình. Mỗi đường nét, màu sắc trong tranh đều mang hơi thở, những cảm xúc, những mong ước của người họa sĩ, chân mộc nhưng tinh tế. Nhân - Lễ - Nghĩa – Trí – Tín được răn dạy một cách tự nhiên, hồn hậu, mà sâu sắc, cứ nhẹ nhàng thấm qua từng bức tranh, đó là bài học, là ước vọng, là văn hóa Việt.

Thơ múa “Họa tình nhân gian” đưa người xem bước vào không gian văn hóa đậm sắc của làng quê Kinh Bắc qua 3 phần. Phần 1 – “Họa nhân”, với khung cảnh sinh động, nhộn nhịp của làng nghề, người làm giấy dó, giấy điệp, người phơi giấy, phơi tranh…

Phần 2 - “Họa nghề” kể câu chuyện làng nghề thủ công thời thịnh đạt với những bàn tay thoăn thoắt, nụ cười rạng rỡ và ánh mắt lấp lánh của những chàng trai cô gái sáng tác và tạo ván khắc gỗ, làm bột màu từ than tre, hoa hòe, sò điệp, sỏi non, lá chàm. Những bức tranh với những câu chuyện dân gian hiện dần lên qua từng công đoạn.

leftcenterrightdel
 Những công đoạn làm nên tác phẩm tranh dân gian Đông Hồ được tái hiện qua ngôn ngữ hình thể .

Phần 3 – “Họa tình”, là nốt trầm của một làng nghề truyền thống trước cơn lốc phát triển kinh tế thị trường. Bảng gỗ xếp chồng, mực ráo hoảnh, bột màu đổ nhòe, giấy dó lặng rơi. Nghệ nhân, người làm nghề với nỗi lòng suy tư, trăn trở. Thời gian cứ mãi nối tiếp, những tâm tư của người làm tranh, yêu tranh cứ đau đáu, khắc khoải, ước vọng…

Và như lời của Thi sĩ Hoàng Cầm từng viết câu thơ: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Chính cái “màu dân tộc” và “giấy điệp” đã làm nên thần thái của dòng tranh này đã, đang và luôn làm giàu cho kho tàng di sản mỹ thuật, di sản văn hóa của Việt Nam. Dù có lúc thăng trầm, dù phôi pha ít nhiều nhưng kho tàng di sản dân gian ấy vẫn luôn được người Việt gìn giữ nâng niu, nhất là giới trẻ với nhiều sáng tạo mới mẻ làm bừng lên sức sống.

Nhận xét về tác phẩm “Họa tình nhân gian” của ê kíp sáng tạo Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cho biết, tác phẩm đã thể hiện tốt đề tài giữ gìn bản sắc dân tộc, cấu trúc nhạc chặt chẽ, bố cục chi tiết. Dùng thủ pháp truyền thống nhưng kết hợp khá nhuần nhuyễn với hiện đại, khoe được kỹ thuật, tài năng sáng tạo của diễn viên. Qua tác phẩm đã kể được câu chuyện văn hóa dân gian đẹp, nói lên sức sống trường tồn của văn hóa dân gian.

leftcenterrightdel
 Đời sống phát triển, người làng nghề truyền thống cũng gặp phải những thăng trầm.

Theo Đại tá Hồ Trọng Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, đây là lần thứ 3 nhà trường dàn dựng tác phẩm múa tham gia Liên hoan múa quốc tế. Lần thứ nhất là tác phẩm “Qua sông”, lần 2 là tác phẩm “Ký ức dòng Lam”. Việc dàn dựng tác phẩm đi thi lần này là quyết tâm lớn của nhà trường và ê kíp nghệ sĩ, bởi nhà trường đang thực hiện khá nhiều nhiệm vụ cho công tác đào tạo, tập luyện và biểu diễn phục vụ các chương trình, sự kiện lớn của Quân đội hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân và các hoạt động kỷ niệm lớn của đất nước.

leftcenterrightdel
 "Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp", người làng nghề vẫn gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân gian của quê hương.

Tham gia thi tài tại Liên hoan múa quốc tế 2024, tổ chức tại TP Huế là dịp để các nghệ sĩ Quân đội giao lưu, học hỏi và thể hiện tài năng, trình độ chuyên môn trong công tác đào tạo và biểu diễn với nghệ sĩ trong nước và quốc tế.

HÀ VƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.