Nói đến Tuyên Quang, người ta nhớ đến những địa danh, di tích lịch sử cách mạng “Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”… Rồi hình ảnh những cô gái xinh đẹp có làn da trắng ngần đã đi vào thơ ca. Nhưng, vùng quê căn cứ cách mạng này còn là nơi hiện hữu khá nhiều làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc... Trong đó, làn điệu Sình ca đã được người Cao Lan hát bằng cả trái tim và gìn giữ như một “báu vật”.

Truyền thuyết về làn điệu cổ

Thật may, trong chuyến công tác lên tỉnh Tuyên Quang lần này của chúng tôi lại được nghỉ ở nhà ông Sầm Văn Hưng dân tộc Cao Lan, một trong những người hát Sình ca có tiếng ở thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình, huyện Yên Sơn. Tuy ông Hưng năm nay đã bước vào  tuổi “thất thập cổ lai hi”, vậy mà giọng nói của ông vẫn còn trầm bổng, trẻ trung lắm.

Ông Hưng tâm sự: “Không biết từ bao giờ, người Cao Lan chúng tôi đã lưu giữ một câu chuyện truyền thuyết về nàng Lưu Tam xinh đẹp và có tiếng là hát hay. Nàng hát hay đến mức không ai có thể đối lại được, lời hát có nhiều ngữ nghĩa, sâu sắc đến mức làm nhiều người nghẹn thở, tức tối. Người anh trai thấy tiếng hát của em mình “ghê gớm” quá, không cấm được em hát, đành bắt em đi lấy chồng. Sợ về nhà chồng, em gái nói ngoa làm người ta ghét, anh ta đưa cho nàng chiếc kéo và dặn: “Em cầm cái kéo về để trong buồng nhà chồng, bao giờ kéo mở thì mới được nói”. Lưu Tam làm đúng như lời anh bảo, hằng ngày đều xem kéo mà nàng thấy nó mãi không mở, bởi thế nàng không nói. Nhà chồng không chịu được, cho nên đêm khuya mới sai người mang trả nàng về nhà mẹ đẻ. Trên đường về nhà, nghe tiếng gà gáy nàng bắt đầu cất lên tiếng hát. Tiếng hát như ai oán trách than và có cả những lời “cay nghiệt” dành cho phía nhà chồng. Nàng về ở hẳn với anh trai và tiếp tục đi hát ở hội hè, hay những dịp vui chơi của bản làng… Cuối cùng, nàng đã  hát suốt 13 ngày đêm không ăn không ngủ rồi qua đời. Cái chết của nàng đã để lại cho dân tộc mình những câu hát Sình ca chất chứa nỗi niềm… Vì thế, Sình ca là tâm sự, thôi thúc trong mỗi người Cao Lan chúng tôi”.

Nghệ nhân Sầm Văn Hưng và Lâm Văn Cầu hát Sình ca.

Cho đến nay, những cuộc hát Sình ca của người Cao Lan đều có đề tài riêng. Thanh niên nam nữ thường mượn những cảnh đẹp của núi rừng quê hương, cảnh sinh hoạt hằng ngày, những câu chuyện cổ tích, thần thoại để thông qua đó nói lên tình yêu và ước vọng xây dựng cuộc sống vui tươi, hạnh phúc của mình. Những đêm hát Sình ca là những đêm vui vẻ, sinh động, xóa đi sự mệt nhọc của bao ngày lao động vất vả. Bởi thế,  Sình ca luôn có sức hút diệu kỳ đối với người Cao Lan, nhất là các chàng trai, cô gái nhờ có  làn điệu này mà nảy sinh những mối tình thật đẹp. Họ hát đối với nhau. Hát một hôm, hai hôm, rồi hôm nào cũng hát và cũng có thể hát cả thời  trẻ trung của mình… Bên thua thì muốn hát mãi, bên thắng thì lại muốn khoe tài. Những câu hát nhiều khi chỉ chân phương mộc mạc nhưng cũng nặng triết lí:

Cây bị gẫy vì tham lắm quả

Người có tội vì miệng nói ngoa

Quả ớt tuy cay ăn cả vỏ

Quả chuối tuy ngọt nhưng khi ăn vẫn phải bỏ vỏ ngoài

Vợ chồng dù xấu nhưng chung chăn gối

Tình duyên dù đẹp vẫn có thể chia li

Mạch nguồn xưa gắn kết hôm nay

Cho đến nay, người ta chưa biết chính xác Sình ca có từ bao giờ. Nhưng, ngoài câu chuyện truyền thuyết về nàng Lưu Tam, thì chắc chắn những làn điệu này đã được hình thành và phát triển từ trong lao động sản xuất, nhằm làm vơi đi nỗi vất vả nhọc nhằn, gắn kết cộng đồng thôn bản, vun đắp tình yêu đôi lứa. Sình ca luôn song hành với những buồn vui, trăn trở, đói no và ước mơ khát vọng của bà con đồng bào dân tộc Cao Lan mà hình thành nên nét văn hóa đậm đà bản sắc. Ông Nguyễn Thọ Sang, Bí thư Đảng ủy xã Đội Bình cho biết: Làn điệu Sình ca thường được bà con dân tộc Cao Lan hát trong đám cưới, hát trong tháng Giêng (hát hội), hát chúc tụng các cụ… Đặc biệt, trong hát hội chỉ có thanh niên mới được tham gia, vì đi hát là để tìm hiểu yêu đương của trai gái”.

Vào mùa xuân, làn điệu Sình ca cứ thế dập dìu suốt đêm thâu, có lúc ngân cao, có khi trầm ấm và bay bổng làm lay động lòng người.

Chàng trai hát rằng:

Anh thì ở xa hôm nay đến đây

Gặp em không biết em đã có người tình hay chưa?

Nếu có người tình rồi thì chúc em đẹp duyên đôi lứa

Nếu chưa có người tình thì đừng có trách anh.

Cô gái đối lại:

Người yêu chưa có anh ơi!

Quẳng dao xuống nước cho đời chứng minh

Dao nổi thì em bạc tình

Dao chìm xuống nước tình này trắng trong

Nhờ có những lời hát đối đáp như thế mà nam, nữ của làng này, làng kia đã nên nghĩa vợ chồng. Đã là người Cao Lan, nếu không biết hát Sình ca thì coi như là không có bạn. Vì thế mọi người đều phải tự học hát. Thanh niên hát theo người già, trẻ em hát theo người lớn. Cứ thế, không ít thì nhiều, hầu như ai cũng biết hát lời ca của dân tộc mình. Chỉ bởi với một ý nghĩ “gìn giữ di sản cho các thế hệ thôn Đồng Giàn mai sau” mà ông Lâm Văn Cầu (người năm 2005 được Đài Truyền hình Việt Nam tặng bằng khen cho nghệ nhân có thành tích tham gia “Liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam”) đã bỏ ra biết bao thời gian, công sức sưu tầm những bài hát bằng chữ Hán Nôm về dịch ra chữ Quốc ngữ. Đồng thời, ông còn dựa trên điệu Sình ca cổ để viết lời mới ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước, ca ngợi không khí hăng say lao động sản xuất cho hợp với cuộc sống hiện nay.

Sình ca là dân ca nhập tâm, là điệu hát tồn tại lâu bền, là kho tàng văn hóa sinh động phản ánh đời sống nội tâm vô cùng phong phú nhưng cũng hết sức mộc mạc, giản dị của bà con dân tộc Cao Lan. Dường như từ mạch nguồn truyền thuyết về nàng Lưu Tam mà họ đã luôn tự hào và coi làn điệu Sình ca là sản phẩm trí tuệ, văn hóa lâu đời nhất của dân tộc mình còn lưu giữ, phát triển đến ngày nay.

Bài và ảnh: TÔ VĂN BINH