Đây là lần thứ ba, công trình của TS, KTS Trần Minh Tùng nhận giải thưởng cao quý ở thể loại “nghiên cứu-lý luận-phê bình kiến trúc”.

Kiến trúc được xem là ngành nghệ thuật đầu tiên trong số 7 ngành nghệ thuật của con người bởi gắn liền với nhân loại ngay từ thuở sơ khai nhất, khi con người chuyển hóa thành động vật bậc cao nhưng vẫn được thừa hưởng tập tính “làm tổ” từ nguồn gốc động vật của mình. Kiến trúc đang là một trong những lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội khi vừa bảo đảm các yếu tố kỹ thuật nhưng lại phải chuyển tải cả cảm xúc nghệ thuật của người thiết kế đến người sử dụng. Nhưng với sự phát triển, “tổ” của con người đã được gắn những quan điểm, những sáng tạo, những cách thức thực hành kiến trúc mới dựa trên những hiểu biết về môi trường tự nhiên và xã hội để giúp con người tồn tại và phát triển tốt hơn, chủ động phòng, chống những mối đe dọa luôn trực chờ và bủa vây xung quanh trong một thế giới đầy thú vị nhưng cũng đầy nỗi bất an.

 Trang bìa cuốn sách.

Vì vậy, kiến trúc như một “tiểu môi trường” quan trọng làm chỗ nương tựa của con người. Từ đó, kiến trúc phát triển là do con người, của con người và vì con người. Nhưng rồi con người đã quá tự hào về những sáng tạo của mình, theo đuổi những tham vọng “cao cả” hơn rất nhiều nên đôi lúc kiến trúc lại rời xa mất những xuất phát điểm, những mục tiêu ban đầu do chính con người đặt ra. May mắn thay, gần đây, các xu hướng thực hành kiến trúc và những người hành nghề kiến trúc đã xác định lại sứ mệnh xã hội, quay trở lại với nguồn gốc con người của kiến trúc.

Quyển sách “Kiến trúc và con người” mang đến những kiến thức xoay quanh mối quan hệ giữa hai yếu tố vừa là chủ thể, vừa là khách thể này nhằm chứng minh mối quan hệ biện chứng “con người nào thì kiến trúc đó, và ngược lại”. Nội dung quyển sách gồm 4 chương, mỗi chương vừa là một câu chuyện riêng nhưng vừa đóng góp cho bạn đọc hiểu về một câu chuyện chung.

Chương 1 - "Mối quan hệ giữa con người, thiên nhiên và kiến trúc" - khái quát quá trình khai thác tự nhiên và kiến tạo môi trường xây dựng nhằm cải thiện những bất lợi từ thiên nhiên thông qua các công trình kiến trúc, đồng thời gửi gắm vào đó những ý nghĩa biểu hiện bởi hình thức và chức năng của mỗi công trình.

Chương 2 - "Kiến trúc của con người, do con người và vì con người" - phân biệt hai loại hình kiến trúc quan trọng, kiến trúc hữu danh gắn với tên tuổi người thiết kế và kiến trúc vô danh được khởi tạo bởi những con người không qua đào tạo nghề kiến trúc, để từ đó cho thấy dù được tạo ra bởi con người nào thì thiết kế kiến trúc lấy con người làm trung tâm vẫn luôn là một quan điểm xuyên suốt.

Chương 3 - "Thực hành kiến trúc dưới góc độ nhân học" - phân tích sự thích ứng của kiến trúc cũng như các kinh nghiệm thực hành kiến trúc truyền thống, tạo ra những hấp dẫn cho các kiến trúc bản địa, đồng thời là cơ sở để phát triển các loại hình kiến trúc bền vững để giúp cuộc sống con người ngày càng chất lượng.

Chương 4 - "Kiến trúc Việt Nam giữa dòng chảy văn hóa Đông-Tây" - mang đến một sự so sánh thú vị giữa bản tính con người phương Đông và phương Tây, từ đó dẫn đến những khác biệt trong quan điểm thực hành kiến trúc mà Việt Nam là một minh chứng với đặc trưng các vùng kiến trúc truyền thống khác nhau nhưng đang chịu tác động từ thế giới phương Tây bởi quá trình toàn cầu hóa.

Quyển sách không chỉ giúp sinh viên, học viên các ngành kiến trúc hình thành những quan điểm thiết kế dựa trên các mục tiêu vì (sự phát triển) con người, hay giúp các kiến trúc sư nhìn nhận và khẳng định lại tính nhân văn trong cách thức mình đã-đang-sẽ tiếp cận và thực hành kiến trúc, mà còn giúp bạn đọc phổ thông, những người quan tâm đến kiến trúc hiểu được những mục tiêu nhân văn ban đầu của kiến trúc, để từ đó có những đánh giá nhất định về cách thức thiết kế kiến trúc vì con người hay kiến trúc đang được vận hành trong xã hội đương đại có thực sự đáp ứng được mục tiêu đó hay không.

TS, KTS Trần Minh Tùng sinh năm 1977 tại Đà Nẵng, tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhận học vị Tiến sĩ tại Trường Đại học Toulouse 2-Jean Jaurès (Pháp). Các công trình nghiên cứu đã xuất bản: "Kiến trúc nhà ở-Hiểu biết và thiết kế qua minh họa", “Khu đô thị mới-Từ nguyên gốc lý thuyết đến biến thể thực tế”; “Không gian công cộng trong bối cảnh chuyển đổi”; "Xanh hóa các khu đô thị mới", “Kiến trúc & Con người”... Các công trình, đồ án của TS Trần Minh Tùng đã giành được Giải B giải thưởng Loa Thành cho đồ án tốt nghiệp KTS xuất sắc (2000), 3 giải Đồng Giải thưởng kiến trúc quốc gia (2018, 2020-2021, 2022-2023), tặng thưởng mức A của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương năm 2022...

 

TUỆ NHÂN