Với dung lượng gần 450 trang, cuốn sách gồm 7 chương, chia làm 3 phần: Các thời kỳ phát triển kiến trúc Thăng Long-Hà Nội; Di sản và bản sắc kiến trúc Thăng Long-Hà Nội; Kiến trúc Thăng Long-Hà Nội-Vận hội và xu thế. Thông qua nghiên cứu khối lượng tài liệu, hiện vật rất lớn, các tác giả đã đưa ra cái nhìn toàn cảnh về quá trình hình thành diện mạo kiến trúc Thăng Long từ những tụ cư bên sông Hồng tới Đại La, thời kỳ các triều đại phong kiến định đô Thăng Long, Hà Nội thời Pháp thuộc và Hà Nội-thủ đô của nước Việt Nam độc lập. Tựu trung, khu vực Hoàng thành Thăng Long gắn với khu phố cổ ngày nay được xem là vùng đô thị trung tâm với các công trình hiện đại bậc nhất như: Cung điện, công trình tôn giáo bề thế, nhà cửa hiện đại và các công trình phục vụ thương mại. Ngược lại, vùng ngoại thành tập trung hoạt động nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ và dĩ nhiên diện mạo cảnh quan, kiến trúc mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ truyền nông thôn Bắc Bộ.

Hà Nội sau nhiều lần mở rộng (mới nhất là vào năm 2008), những khu vực trước đây là ngoại thành, song với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, đã trở thành khu vực đô thị mới. Điều này tạo ra “hệ thống làng trong đô thị” rất độc đáo của cấu trúc hình thái đô thị Hà Nội. Các tác giả cho rằng cần nỗ lực tối đa giữ lại khoảng không gian cảnh quan, kiến trúc làng trong phố phục vụ cho nhiều mục đích như bảo tồn văn hóa, du lịch...

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn sách “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội”. 

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, có 5 đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Theo các tác giả cuốn sách, với xu hướng nhiều công trình công sở, trường học được xây dựng ở các đô thị vệ tinh, nhất thiết cần nâng cao năng lực thiết kế công trình gắn với quy hoạch. Tránh tình trạng bỏ ra nhiều tiền của, công sức nhưng lại không tạo ra điểm nhấn có tính “dẫn dắt” kiến trúc xung quanh.

Với những vùng nông thôn đã được định hướng phát triển theo mô hình nông thôn mới, áp lực đô thị hóa không vì thế mà giảm đi, thậm chí là “khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão đô thị hóa mạnh nhất”.

Với đặc điểm tự nhiên, kiến trúc nhà ở nông thôn ngoại thành Hà Nội gắn với hình ảnh quen thuộc là ngôi nhà một tầng với mảnh vườn trước mặt, nhà mái dốc ba gian hai chái, đường làng nhỏ lát gạch quanh co. Các tác giả cuốn sách cảnh báo: “Cùng với sự khá dần lên của kinh tế và sự gia tăng nhân khẩu vẫn trên mảnh đất được thừa hưởng của cha ông, người ta đang thay thế dần dần những ngôi nhà ngói, nhà lá bằng nhà bê tông cốt thép. Điều đáng buồn không chỉ là những mảnh vườn bị chia cắt, bị “nhà lô hóa” mà còn ở chỗ thẩm mỹ học đòi, chắp vá của những căn nhà 3-4 tầng lòe loẹt đang chiếm chỗ cái ý nhị, duyên dáng của căn nhà truyền thống”.

Thông điệp của cuốn sách khi nói về kiến trúc ngoại thành Hà Nội thật ý nghĩa, đó là: “Làm sao giữ được không gian làng xã, nơi hình thành và nuôi dưỡng những vùng văn hóa, là điều cấp thiết và mang tính cấp bách”.

HÀM ĐAN