Nhờ tiếp thu nghệ thuật múa rối nước đến biểu diễn phục vụ ở triều đình, ông đã chọn lọc và đem về quê truyền dạy cho người dân. Khi ông mất, dân làng đã phong thần, lập bia vinh danh và hằng năm vào ngày 24-2 âm lịch tổ chức dâng hương tưởng nhớ ơn công lao truyền nghề.

Một tiết mục biểu diễn rối nước Đào Thục hoàn chỉnh luôn cần sự phối hợp của nghệ nhân tạo hình con rối và nghệ nhân trực tiếp điều khiển con rối ở dưới nước. Với nghệ nhân tạo hình con rối, cái khó là làm sao thổi vào khúc gỗ, nước sơn một "tâm hồn" của nhân vật dân gian để sống dậy những tích trò xưa cũ. 

Bằng tài năng khéo léo của nghệ nhân làng Đào Thục, tất cả con rối được tạo hình bằng tay, điêu khắc tỉ mỉ theo lối cổ được truyền từ đời này qua đời khác. Ông Nguyễn Văn Phi đến với nghề múa rối nước Đào Thục bằng sự đam mê, là nghệ nhân duy nhất trong làng giữ vai trò tạo hình con rối. Ông Phi cho biết: “Một con rối cao từ 30 đến 40cm, tôi phải mất khoảng 10 ngày để hoàn thiện. Khi tạo hình con rối hiện đại, tôi luôn thay đổi nước sơn và trang phục sao cho phù hợp nhất”.

leftcenterrightdel
     

 Các nghệ nhân làng Đào Thục trong một buổi biểu diễn múa rối nước.

Thủy đình của phường múa rối nước Đào Thục là điểm diễn chính, đón tiếp khách tới tham quan, trải nghiệm điêu khắc con rối dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân Nguyễn Văn Phi. Con rối ở đây còn được lưu diễn ở hội làng, hội chợ và đặc biệt là các trường quốc tế trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, anh Đinh Hoàng Vân, một trong những nghệ nhân trẻ của làng đã chế tác con rối mi ni nhằm tạo điểm nhấn cho du khách khi tới thăm.

Nghệ thuật múa rối nước làng Đào Thục có nội dung xoay quanh 17 tích trò hầu hết bắt nguồn từ công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp, như: Cày, bừa, chăn trâu, đánh đu và những câu chuyện dân gian cổ như: Thạch Sanh, Thánh Gióng... Ông Nguyễn Thế Nghị, Trưởng phường múa rối nước Đào Thục cho hay: “Hiện phường múa rối nước Đào Thục có 40 thành viên, trong đó có 10 người trẻ đang trong quá trình thử việc. Biểu diễn múa rối nước hiện nay hầu hết là người cao tuổi và trung niên bởi nghề chưa “nuôi” được thế hệ trẻ về nghiệp múa và kế sinh nhai”.

Đào Thục là phường rối chung của làng nên người dân trong làng đều được truyền nghề, diễn xướng. Nhờ cơ chế giữ nghề đó, các thế hệ nơi đây cứ hết lớp này đến lớp khác giữ nghề múa rối nước để góp phần giữ văn hóa truyền thống cho mai sau. Các lớp tập huấn bộ môn nghệ thuật múa rối nước truyền thống thường niên diễn ra do phường múa rối nước Đào Thục và Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh phối hợp tổ chức. Để bắt kịp "hơi thở" của thời đại và gắn nghệ thuật truyền thống với lịch sử, phường múa rối nước Đào Thục đã đổi mới nội dung với những kịch bản, như: “Hà Nội 12 ngày đêm”, sự tích Loa thành, chiếu dời đô... Những câu chuyện lịch sử đều được các nghệ nhân truyền tải qua nghệ thuật múa rối nước đã và đang thu hút đông đảo nhân dân, du khách tham quan. 

Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục từng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ tinh thần đam mê, nỗ lực giữ nghề và sáng tạo nội dung, các nghệ nhân nơi đây đã tạo nên sức sống mới cho làng nghề hơn 300 năm tuổi này. 

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG