Để có một tác phẩm báo chí hay, phản ánh chân thực và sinh động, nhà báo phải “lăn, xả” vào thực tiễn, phải đồng cảm, sẻ chia với nhân vật. Sự “lăn, xả” ấy xuất phát từ tâm huyết nghề nghiệp. Tình huống càng đẹp, càng xúc động “tâm huyết” càng sâu sắc, viết càng nhanh, bài viết càng nhiều “sức nặng”. Tuy nhiên, việc đồng cảm, sẻ chia với nhân vật không phải nhà báo nào cũng làm được.

Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin kể câu chuyện về “chia sẻ, đồng cảm” với đồng nghiệp, với tư cách là một ký giả.

Tác giả trong lần viết về em Nguyễn Văn Nam ở xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Thắng 

Một sáng cuối tuần tháng 5 năm 2009, đoàn viên thanh niên Khối cơ quan Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức lao động giúp dân đắp bờ kè ngăn nước mặn tại xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch. Trong khuôn khổ công tác dân vận, Vùng 2 Hải quân kết hợp với chính quyền xã tặng quà cho gia đình chính sách, neo đơn và khó khăn. Trong 13 gia đình chúng tôi đến tặng quà ở xã Phú Thạnh, có gia đình em Nguyễn Văn Nam. Nam lúc đó 17 tuổi, nhưng chỉ quanh quẩn trên chiếc giường vì bị liệt từ nhỏ.

Hoàn cảnh gia đình đáng thương, khi hai tuổi, mẹ bỏ đi, Nam ở với ba và bà ngoại cùng người em ruột của bà. Ngôi nhà lá sát mép bờ mương luôn ẩm ướt. Cuộc sống đã nghèo khó lại càng nghèo hơn khi em thường xuyên đau ốm. Cầm gói quà gửi tặng em, tôi không kìm được xúc động. Tôi đã đỡ Nam dậy và trò chuyện với em như một người anh. Nam kể về những ngày tháng không có mẹ, những đêm dài nằm khóc một mình thương cho phận mình tàn tật, vô tình làm gánh nặng cho gia đình. Những giọt nước mắt của chàng trai tật nguyền 17 tuổi cứ thôi thúc trong tim tôi. Trong khoảnh khắc dâng trào cảm xúc ấy, tôi chụp ảnh và quyết định viết về em gửi trang Tấm lòng vàng, Báo Sài Gòn Giải Phóng, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Hai tuần sau, trên trang 4 của báo này đăng bài “17 năm tật nguyền và nỗi lòng nhớ mẹ”. Đọc “sản phẩm” của mình, tôi trào nước mắt.

Gần một tháng kể từ ngày báo đăng, Báo Sài Gòn Giải Phóng thông báo: “Em Nam được hỗ trợ tiền của bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng, tác giả thông báo cho gia đình đến tòa soạn nhận tiền”. Qua liên lạc với gia đình, Nam cho biết gia đình không ai đi được, bà ngoại của em già yếu, em thì nằm một chỗ. Tòa soạn gửi email: “Tác giả thay mặt ban chương trình, nhận tiền và trao cho em Nam”. Cả đêm hôm ấy tôi không ngủ vì mừng cho em Nam.

Từ Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân, tôi cầm tờ báo Sài gòn Giải Phóng rồi “phóng” xe máy tìm đến nhà Nam. Khi tôi đưa bài báo có hình của Nam, bà ngoại của em mừng khóc, còn Nam cứ trân trân nhìn tôi ứa nước mắt cảm ơn. Tôi gửi tiền của bạn đọc cho em và tặng em gói quà nhỏ mua từ tiền lương của mình.

Chuyện viết về nhân vật, những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật là chuyện thường, song để bài báo ấy xúc động, chân thực thì bắt buộc nhà báo phải có một sự đồng cảm, sẻ chia với nhân vật. Một bài báo hay chắc chắn đó phải là bài báo chân thực. Đó là sức sống bền lâu trong lòng độc giả. Vì vậy, để có sự chân thực ấy, không còn cách nào khác là tác giả phải “chia sẻ, đồng cảm” với nhân vật.

Trong cuộc sống quanh ta, có rất nhiều phận đời khốn khó, những tấm gương ngời sáng và cả những “chướng tai gai mắt”, nếu nhà báo chỉ dừng lại ở quan sát mà không có “xắn tay” và đồng cảm, sẻ chia cùng nhân vật, sự việc thì khác gì “cưỡi ngựa xem hoa”; tác phẩm như vậy dù có “ra lò” cũng không sâu sắc, thiếu xúc động và đọng lại trong lòng độc giả không nhiều.

Có một điều thuộc lĩnh vực kỹ năng viết báo xin trao đổi cùng các đồng nghiệp là: Chúng ta “tham” viết “cao siêu”, tức là viết “tư duy lớn”, lời lẽ mỹ miều bay bổng, mà quên đi những tình tiết chữ nghĩa giản dị, mộc mạc. Xin nói rằng, chữ nghĩa càng gần với đời thường càng sâu sắc, càng sát thực tế càng hay. Xa thực tế kiểu “cao văn” sẽ làm cho bài báo “méo” hoặc giáo điều, sáo rỗng.

Nếu “lửa tâm huyết” là thước đo lòng nhiệt tình nghề nghiệp, thì “sẻ chia, đồng cảm” là kỹ năng quan trọng nhất của người làm báo. Dù kiến thức rộng, tầm nhìn sâu, nhưng không có sẻ chia đồng cảm thì cũng không cho ra được một tác phẩm báo chí hay. Dĩ nhiên, “sẻ chia đồng cảm” không tự nhiên mà có, mà nó được nuôi dưỡng luyện rèn, cũng như “vàng càng mài càng sáng, ngọc càng luyện càng trong”, cây xanh tốt phải vun trồng chăm bón.

MAI THẮNG