Nhịp chậm trong kỷ nguyên tốc độ
Sáng tinh mơ, phố Hàng Trống (phường Hoàn Kiếm) lác đác người qua lại. Bên đường, một sạp báo nhỏ hiện lên như vệt thời gian lặng lẽ giữa dòng xe vội vã. Ông Phạm Quang Hùng, tóc đã điểm bạc, dừng lại, cúi người chọn một tờ báo. Không vội vàng, ông lật từng trang, ngón tay gầy gò rà soát tiêu đề như thể đang tìm một nhịp thở quen thuộc giữa guồng quay chóng mặt của thông tin.
 |
Một thói quen chậm rãi giữa lòng Hà Nội hối hả. |
“Tôi đọc báo giấy từ thời còn học phổ thông, giờ quen rồi”, ông chia sẻ. Trên mạng nhiều thông tin quá, đọc xong chẳng nhớ được gì. Báo giấy giúp tôi đọc kỹ hơn bởi tin chọn lọc hơn. Nhiều người bảo tôi lỗi thời, nhưng tôi thấy không cần phải theo cho kịp. Mình sống chậm, nghĩ kỹ hơn, vậy là đủ”.
Tại góc phố số 1 Hàng Trống, hình ảnh ông Đặng Hữu Phán cần mẫn bên sạp báo của mình đã trở nên thân thuộc với người dân suốt gần ba thập kỷ qua. “Bây giờ ngày chắc bán được khoảng 50 tờ. Khách chủ yếu là người cao tuổi, họ đi tập thể dục về rồi mua báo, có thể mang đi ăn sáng hoặc uống cà phê, thói quen đó có từ lâu rồi. Có khách như bác Hùng - từng là bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - mua báo từ mấy chục năm trước đến giờ, gặp nhau sáng nào cũng chuyện trò đôi câu”, ông Phán chia sẻ.
 |
Ông Đặng Hữu Phán tại sạp báo quen thuộc ở số 1 Hàng Trống. |
Không ít lần ông nghĩ đến chuyện bỏ nghề vì thu nhập quá thấp, nhưng rồi vẫn gắn bó đến giờ. “Một phần vì công việc, một phần vì yêu nghề. Mình được gặp người này người kia, mà toàn người có văn hóa - bác sĩ, trí thức - nói chuyện cũng vui. Người còn đọc báo bây giờ thường là người về hưu, họ không quen dùng mạng xã hội. Họ vẫn tin báo giấy là chính thống, chính xác và tin cậy hơn”, ông Phán nói.
Cách đó vài con phố, ở ngã ba đường Lý Nam Đế cắt Phan Đình Phùng (phường Hoàn Kiếm), chị Hường mỗi ngày vẫn bày từng xấp báo trên mặt bàn gỗ, vuốt thẳng mép, sắp xếp theo thói quen cũ. “Giờ chả bán được mấy đâu, mỗi ngày chỉ được vài chục tờ lẻ, vất vả lắm”, chị Hường bày tỏ.
 |
Chị Hường mỗi ngày vẫn bày từng xấp báo trên mặt bàn, sắp xếp theo thói quen. |
Ở thời đại mà mỗi tòa soạn đều đang tìm cách tăng tốc, sản xuất nhiều tin hơn, nhanh hơn, thì báo giấy vẫn đứng đó - không vội vã, không cuốn người đọc theo cơn lốc của thuật toán. AI có thể viết tin tức trong vài giây, tổng hợp từ hàng nghìn nguồn, nhưng cảm xúc lại trở nên mờ nhạt. Nhiều người trong giới làm báo lo ngại: Nội dung càng được tạo ra dễ dàng, càng khó duy trì lòng tin.
Khi tin tức tràn lan và không phải lúc nào cũng chính xác, một tờ báo in với quy trình xuất bản chặt chẽ và người chịu trách nhiệm rõ ràng lại trở thành điểm tựa của lòng tin.
Khi con chữ cần được nghiền ngẫm
Không chỉ có những người lớn tuổi mới chọn đọc báo in. Với nhiều người trẻ theo nghề làm báo, báo giấy vẫn là một môi trường học tập và rèn luyện nghề nghiệp rất khác biệt. Bạn Tống Ngọc Anh, sinh viên năm thứ nhất ngành Truyền thông quốc tế, Học viện Ngoại giao, chia sẻ: “Tôi được học môn báo in trên lớp và hiện đang thực tập tại một báo điện tử, nên thấy rõ sự khác biệt. Với báo in, mọi câu chữ đều phải chỉn chu và chính xác. Từ cách đặt tiêu đề đến cách trình bày thông tin đều cần sự cân nhắc kỹ lưỡng. Chính quá trình đó rèn cho tôi tư duy cẩn trọng hơn khi viết và biết cách tự kiểm tra, thẩm định thông tin trước khi công bố”.
 |
Không chỉ là nơi bán tin tức, sạp báo còn là một phần của nhịp sống hè phố, nơi những câu chuyện đời thường diễn ra mỗi ngày.
|
Nhà báo Đặng Vũ Hoài, hiện đang công tác tại Báo Công lý, nhận định: “Báo chí cách mạng Việt Nam đã ra đời được hơn 100 năm, là một chặng đường vinh quang. Báo in giữ vai trò không thể thiếu trong sự nghiệp cách mạng, trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
 |
Trong thời đại tin tức vô hạn, sự chọn lọc của báo giấy trở thành một giá trị riêng biệt. |
Trong cơn lốc của tốc độ và công nghệ, việc dừng lại trước một sạp báo, lật vài trang rồi gấp lại, tưởng như là hành động nhỏ nhoi, nhưng chính sự dừng lại ấy tạo ra một khoảng lặng đáng giá. Khoảng lặng cho suy nghĩ, cho cảm xúc và cho những giá trị khó có thể thay thế bằng bất kỳ công nghệ nào. Báo giấy không chạy đua với thời gian, mà cùng người đọc suy ngẫm về thời cuộc.
Bài, ảnh: QUỲNH TRANG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.