Lộc cộc guốc mộc làng Yên

Đôi guốc mộc đi cùng áo the, khăn xếp đã trở thành hình ảnh quen thuộc của biết bao làng quê Việt. Đến làng Yên Xá tìm hiểu về nghề làm guốc mộc, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ nghệ nhân Trương Công Đức, một trong những nghệ nhân cuối cùng trong làng còn giữ được nghề guốc mộc. Theo nghệ nhân chia sẻ, vào những năm 1950-1960 của thế kỷ trước, Hà Nội có hai làng nghề đóng guốc. Một là làng Kẻ Giày (Đan Phượng, Hà Nội) và thứ hai, chính là làng Yên Xá. Vào những năm 1980 đến 1985, gần như các hộ ở Yên Xá đều làm nghề guốc. Làng quê chẳng khác nào một công xưởng lớn với từng đoàn xe chở gỗ tấp nập nối nhau về làng.

Sinh ra trong gia đình có ba đời làm guốc và được truyền nghề lại từ ông nội nhưng đến khi gắn bó với nghề, nghệ nhân Trương Công Đức mới cảm nhận hết cái hay của nó. Dần dần làm lâu thì lại thấy kiểu dáng guốc của mình cũng được nhiều người ưa thích nên cứ như vậy mà ông theo nghề đến tận bây giờ. Ông bảo, làm nghề phải yêu nghề thì sản phẩm làm ra mới đẹp được.

leftcenterrightdel

Nghệ nhân Trương Công Đức vẫn miệt mài tạo ra những chiếc guốc mộc từ nghề truyền thống của cha ông.

Nghe người nghệ nhân lâu năm chia sẻ về cách tạo ra một chiếc guốc mộc, tôi mới hiểu rõ sự kỳ công của người thợ làm guốc. Các công đoạn để làm ra một đôi guốc không khó, nhưng cái khó lại ở chỗ người thợ phải có con mắt tinh tế và thật khéo léo để biến thớ gỗ sần sùi, sắc cạnh thành một đôi guốc cân xứng, ưa mắt. “Nghề này đòi hỏi phải có con mắt nghệ thuật tinh tường. Lúc trước chúng tôi vẫn hay nói đùa với nhau, làm guốc mộc thì luôn phải thật khéo để “đẻ” ra các cặp guốc “sinh đôi”. Chiếc trái, chiếc phải hợp lại thành một đôi trọn vẹn, phải chiều đôi chân của người đi mới được”, ông Đức nhẹ cười và nói.

Một đôi guốc hay là phải làm người đi chúng cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng. Điều cấm kỵ nhất là đôi guốc làm ra khi đi đọng lại mồ hôi trên mặt guốc và không được thoáng. Muốn vậy, người thợ phải chọn được loại gỗ xoan đã được ngâm, phơi kỹ càng, mà phải đạt yêu cầu là xốp và nhẹ, nhưng phải bền, chắc, không lõi. Cũng theo ông Đức, trước đây nghề làm guốc được gia công bằng tay là chủ yếu nhưng sau này, có máy móc hiện đại, người thợ bớt đi phần nào vất vả khi công đoạn “pha gỗ”, “vuốt gỗ” được làm bằng máy. Nhờ đôi bàn tay tài hoa, mỗi ngày ông Đức làm được trên dưới 30 đôi guốc, cho đến sau này, khi chuyển sang dùng máy, mỗi ngày có khoảng 300 đôi được ông cho “ra đời”.

Dấu xưa, nghề cũ nay còn đâu?

Trải qua thời kỳ hoàng kim, làng nghề guốc mộc Yên Xá không tránh khỏi nguy cơ lụi tàn. Thị trường ngày càng đa dạng và phát triển, sự cạnh tranh gay gắt của những sản phẩm giày, dép hiện đại với kiểu dáng đa dạng, đẹp mắt khiến nhu cầu làm đẹp không chỉ dừng lại ở đôi guốc đơn sơ. Dần dà, guốc mộc truyền thống phần nào mất đi chỗ đứng trên thị trường.

Trước đó, người dân làng Yên Xá cũng nghĩ đến việc tập hợp những gia đình có tâm huyết với nghề, cùng bàn phương hướng để nâng cao chất lượng sản phẩm và mẫu mã guốc nhưng vẫn chẳng thể cạnh tranh được trên thị trường. Giờ đây, rất khó để chúng tôi tìm được một hộ còn theo nghề guốc như gia đình nghệ nhân Trương Công Đức. Dấu tích của làng nghề dần phai mờ, số hộ theo nghề truyền thống của cha ông giảm nhanh chóng. Dù vẫn lưu luyến với nghề, nhưng để trang trải cho cuộc sống, các hộ còn làm guốc mộc tại Yên Xá cũng phải chuyển sang nghề khác.

"Nghề làm guốc mộc vất vả nhiều điều nhưng đổi lại, thu nhập lại không đáng kể, gia đình nào tâm huyết cũng phải bỏ dở nghề", nghệ nhân Trương Công Đức bộc bạch với đầy vẻ luyến tiếc.

Việc bảo tồn và phát triển kinh tế làng nghề không chỉ là câu chuyện riêng của "kinh đô" guốc mộc Yên Xá. Đó còn là câu hỏi lớn chưa được giải quyết triệt để tại hầu khắp các làng nghề trên cả nước bởi trên thực tế, việc cạnh tranh với với sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt, mẫu mã đẹp, giá thành rẻ lại là điều khó đối với các làng nghề thủ công truyền thống.

Bài, ảnh: NGỌC TRÂM