Bên cạnh lịch sử làm gốm lâu đời với nhiều sản phẩm tinh xảo nức tiếng trong nước và quốc tế, Bát Tràng chỉ cách trung tâm Hà Nội 10km, giáp sông Hồng, thuận lợi cho giao thông và du lịch. Về mặt hành chính, Bát Tràng vẫn thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, mà theo cách hiểu nôm na là một vùng quê ngoại thành. Nhưng trên thực tế, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng hiện nay, lại ở gần nhiều khu đô thị lớn, sầm uất nên bản chất của Bát Tràng là một làng nghề trong phố độc đáo.

leftcenterrightdel

 Công trình “Nhà Bát Tràng” do Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa thiết kế. Ảnh: Hiroyuki Oki

Nhờ có vốn liếng từ kinh doanh, nhiều người dân-chủ đầu tư đã xây dựng những công trình có giá trị kiến trúc lớn. “Nhà Bát Tràng” do Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa thiết kế được tạp chí uy tín trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật Wallpaper (Anh) trao giải thưởng ở hạng mục “Ngôi nhà mới tốt nhất” (năm 2021). Công trình lấy cảm hứng từ vẻ đẹp truyền thống đặc trưng của Bát Tràng được thể hiện qua mặt đứng bên ngoài.

Toàn bộ hệ tường mặt ngoài được xây hoàn toàn bằng gạch gốm tạo thành một khối gốm khổng lồ trong lòng Bát Tràng. Chủ nhà làm về gốm, ngôi nhà đặt trong ngôi làng làm gốm, vì vậy, dựa trên thế mạnh đó thiết kế nên một công trình mang bản sắc đặc trưng của Bát Tràng. Vật liệu gốm có vẻ đẹp và độ bền cao, tạo sức nặng, diện mạo và bề mặt mới nhưng vẫn mang nét đặc trưng của địa phương và bối cảnh xung quanh.

Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 với Kiến trúc sư (KTS) trưởng là KTS Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam có hai công trình đáng chú ý ở Bát Tràng, gồm: Ngôi nhà đá cuội và Trung tâm gốm Bát Tràng. Đặc biệt, Trung tâm gốm Bát Tràng không chỉ giành giải Vàng kiến trúc quốc gia 2022-2023 mà còn có sức lan tỏa lớn, trở thành địa điểm du lịch mới nổi tiếng.

Công trình tái hiện lại khung cảnh “trên bến dưới thuyền” tấp nập của chợ gốm sứ xưa. Lấy cảm hứng từ hình ảnh bàn xoay động, hình khối công trình là 7 bàn xoay gốm đấu vào nhau. Công trình tận dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương như gạch nung và ngói Bát Tràng để thể hiện nét mộc mạc, bình dị của làng gốm.

Công năng của Trung tâm gốm Bát Tràng được chia theo các không gian trải nghiệm nghề làm gốm, trưng bày sản phẩm gốm, triển lãm nghệ thuật theo chủ đề... đem lại cảm nhận đa chiều cho du khách về nghệ thuật làm gốm.

Các công trình tạo nên dấu ấn riêng, mang tinh thần nơi chốn cho Bát Tràng hiện đang là các công trình do tư nhân đầu tư xây dựng. Mặc dù đã có nhiều công trình kiến trúc ấn tượng nhưng vẫn mang tính chất đơn lẻ, chưa có một hệ thống kiến trúc cảnh quan để nâng tầm thương hiệu làng gốm Bát Tràng.

Ngay như một việc đơn giản là cần có bảng chỉ dẫn và cổng chào từ đường quốc lộ vào làng Bát Tràng với thiết kế mang bản sắc riêng cũng chưa xuất hiện. Tại những vị trí tiếp cận này, cần có các quầy thông tin chỉ dẫn các điểm tham quan.

Cho đến khi viết bài này, tôi mới biết đến nhà cổ Vạn Vân là nơi trưng bày nhiều hiện vật gốm cổ cũng như các sản phẩm gốm Bát Tràng hiện đại, hay lò bầu cổ 100 năm tuổi là lò gốm cổ nhất, lớn nhất và duy nhất tại Bát Tràng. Vậy còn những nhà cổ hay lò gốm cổ nào khác chưa được khai thác du lịch hay không?

Với nhiều ý kiến đề xuất khu vực hai bên bờ sông Hồng sẽ được kiến tạo thành trục kinh doanh dịch vụ, Bát Tràng có thể có một cơ hội lớn phát triển chưa từng có trong lịch sử. Vì vậy, để đi trước đón đầu, các cơ quan liên quan cần sớm có những quy hoạch làm giàu bản sắc Bát Tràng.

Ngoài các công trình văn hóa mang tính vật thể còn cần xây dựng các công trình lưu giữ văn hóa phi vật thể như tổ chức các show diễn tái hiện lại hoạt động làm gốm, cuộc sống nơi làng nghề, trong đó chú ý khai thác các giá trị lịch sử của làng nghề nơi đây.

Kiến trúc sư NGUYỄN HUYỀN TRANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.