“Thầy bói xem voi” trong văn hóa đọc

Ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 21-4 là Ngày Sách Việt Nam; đến năm 2021 đổi thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Việc lựa chọn Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4) gắn liền với thời điểm ra mắt cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa sâu sắc nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk tặng sách cho các em học sinh trên địa bàn. Ảnh: THÚY AN 

Tròn 10 năm, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được triển khai rộng khắp, kết quả thu được của chúng ta là gì? Chỉ duy nhất năm 2022, ngành xuất bản lần đầu tiên đạt mục tiêu 6 bản sách/người/năm mà Ban Bí thư đặt ra cho ngành từ năm 2010. Tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu trong nhiều năm rơi vào giữa khoảng 35.000-38.000 xuất bản phẩm, số bản sách 550.000.000-598.000.000 bản, thuộc vào nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. Tổng doanh thu toàn ngành thường đạt mốc hơn 4.000 tỷ đồng.

Cơ cấu tỷ lệ sách còn thiên về sách giáo khoa, sách tham khảo (khoảng 40%) trong khi ở các nước phát triển, con số này chỉ khoảng 30%. Đây là tỷ lệ phản ánh việc hành vi đọc sách để tiếp cận tri thức mới chỉ dừng lại ở chương trình học bắt buộc chứ chưa phải là thói quen tự nhiên.

Một vấn đề quan trọng cần xem xét là người Việt Nam đọc nhiều hay ít? Năm 2015, một khảo sát quốc tế được Bộ Thông tin và Truyền thông trích dẫn cho kết quả: Ở Việt Nam, chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách; thời gian dành cho đọc sách hằng tuần xếp hạng thấp, khoảng một giờ. 

leftcenterrightdel

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu tham quan hội chợ sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024. Ảnh: THẾ BẰNG 

Sau gần 10 năm, người Việt Nam dành thời gian cho việc đọc có tiến triển tích cực nào không? Đáng tiếc là chúng ta chưa tiến hành khảo sát kỹ lưỡng về văn hóa đọc để minh chứng. Số liệu của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cung cấp hằng năm chỉ khảo sát trong hệ thống thư viện công cộng không bao quát được diện mạo của văn hóa đọc.

Một khảo sát năm 2017 cho thấy: Trong số 208 người dân đến các thư viện tỉnh được hỏi thì 55,1% đến để đọc sách, báo; trong khi chỉ có 5,5% tham gia các sự kiện, 1,5% tham gia các chương trình đào tạo... Chúng ta dễ dàng nhận ra một nghịch lý: Thư viện tỉnh phục vụ người dân tại chỗ nhiều nhất là dịch vụ đọc sách, báo in; nhưng để đọc sách, báo, người dân có nhất thiết phải tìm đến thư viện khi mà có thể dễ dàng đọc báo mạng, đọc sách online, nghe sách nói; mua sách ở cửa hàng, đặt sách báo online và đọc ở nhà tiện lợi hơn.

Chính vì không có số liệu đầy đủ nên đánh giá về văn hóa đọc đang rơi vào tình trạng “thầy bói xem voi”, phụ thuộc vào quan sát, nhận định hết sức cảm tính, chứ không bằng số liệu thực chứng. Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Nhằm có cái nhìn toàn diện về “bức tranh” văn hóa đọc, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành khảo sát 10 câu hỏi về văn hóa đọc. Đối tượng sẽ tiếp cận khảo sát là hàng chục triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ của nhà mạng Viettel, ứng dụng nhắn tin nhanh đa nền tảng Zalo”.

Chú trọng thiết thực và chiều sâu văn hóa đọc

Tác động của cơ chế thị trường, trong đó có cả mặt trái, ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa đọc. Nhuận bút tác giả quá thấp, vi phạm quyền tác giả tràn lan khiến cho tác giả người Việt Nam không mặn mà viết và in sách; các đơn vị xuất bản thì tìm đến sách nước ngoài, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực... Đây là những vấn đề vốn dĩ tồn tại đã rất lâu nhưng nếu không nhắc lại, e rằng lại được xem là “chuyện thường ngày ở huyện” mà không có giải pháp quyết liệt nào để cải thiện. 

leftcenterrightdel
Niềm vui được tặng sách của các em học sinh Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: THÚY AN 

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, nhà văn Lê Quang Trạng cho rằng: “Ở một số nước phát triển mà tôi có dịp đến tham quan, tìm hiểu thì viết sách được xem là một nghề như bao nghề khác, có thể sống được. Muốn vậy, phải có thị trường sách luôn sôi động và một xã hội luôn thôi thúc những tác phẩm mới ra đời. Ở nước ta, thời gian gần đây cũng bắt đầu có xu thế trên, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó phát triển của văn hóa đọc cần được quan tâm và phát triển”.

Câu chuyện văn hóa đọc trực tiếp nhất, sát sườn hơn cả vẫn là câu chuyện phong trào đọc sách nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam như thế nào? Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường, liệu có bao nhiêu sự kiện trong “tháng của sách” là hướng dẫn phương pháp đọc và chọn sách phù hợp cho mỗi cá nhân?

Điều chúng ta e ngại nhất là bệnh hình thức, khi nhà nhà người người tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam bắt chước nhau, như việc huy động mọi người đến xem trưng bày sách, xem vài ba tiểu phẩm kể chuyện từ sách, thi vẽ tranh, mở hội chợ bán sách... Năm nào cũng từng đấy các hoạt động, xong xuôi tất cả lại ra về. Một điều khác mà nhiều người quan tâm, đó là: Sau những hoạt động cao điểm của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, hoạt động liên quan đến sách ở các cơ quan, đơn vị, nhà trường có tiếp tục được duy trì, lồng ghép vào các hoạt động, sự kiện khác hay không?

Theo nhiều chuyên gia văn hóa đọc, mấu chốt để văn hóa đọc nước ta phát triển là kiên trì thực hiện dựa trên hai tiêu chí thiết thực và chiều sâu. Thiết thực là cần có nhiều cơ chế hỗ trợ, ưu đãi để ngành xuất bản phát triển trở thành một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng; cho ra đời nhiều cuốn sách giá trị về nội dung và hình thức; chuyển đổi số tích cực hơn, đáp ứng nhu cầu mới của công chúng trẻ về sách điện tử, sách nói; gây dựng nhiều tủ sách ở nơi cần đến sách; đưa sách đến đối tượng yếu thế trong xã hội...

Chiều sâu là cần thêm nhiều hoạt động hiệu quả về phương pháp đọc sách, lựa chọn sách để mỗi cá nhân, nhất là đối tượng thiếu nhi, coi đọc sách là một thói quen thường xuyên, tự giác, là một sở thích chứ không phải ép buộc như việc phải đọc sách để nâng cao thành tích học tập. Đòi hỏi sự kiên trì ở các bên liên quan là bởi nhiều thói quen liên quan đến văn hóa đọc bắt nguồn từ tư duy, truyền thống lâu đời không dễ gì thay đổi.

Chẳng hạn, nếu có học sinh THCS đang học bộ sách triết học nhập môn dành cho trẻ em, tin chắc nhiều người lớn cho rằng triết học là thứ không cần thiết với “tuổi teen”, lên đại học mới phải học. Nhưng trên thực tế, nếu làm quen với tư duy triết học sớm, sẽ hình thành trong đứa trẻ khả năng suy luận logic, vận dụng nhiều lý tính trong học tập, đời sống dễ dàng hơn.

Phát triển văn hóa đọc là việc luôn cần thực hiện với sự kiên trì trong một thời gian dài. Cốt yếu là cần xuất phát từ sự nhiệt huyết, thực tâm, có tầm, tôn trọng sở thích lành mạnh của cá nhân, lợi ích của tổ chức vì mục đích chung chấn hưng văn hóa đọc.

TRẦN HOÀNG HOÀNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.