Môn nghệ thuật độc đáo 

Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm trong xã hội đương đại” được UBND tỉnh Ninh Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội (Trường Đại học Temple, Hoa Kỳ) tổ chức, thu hút nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, người thực hành hát xẩm đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Hải Phòng; cùng các học giả, nhà nghiên cứu đến từ Mỹ, Australia...

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người được coi là “đệ tử chân truyền” của nghệ nhân Hà Thị Cầu-“báu vật nhân văn sống” nghệ thuật hát xẩm thế kỷ 20-xúc động chia sẻ: “Hội thảo là ước mơ lớn mà những người thầy, đồng nghiệp và chúng tôi mong muốn từ rất lâu”.

Trên thực tế, hội thảo được tổ chức là kết quả của quá trình kéo dài nhiều năm, khi GS Ngô Thanh Nhàn, một học giả Mỹ gốc Việt thuộc Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội chủ động liên lạc với nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và nhóm Xẩm Hà Thành để tìm hiểu về hát xẩm ở Việt Nam. Qua nhiều lần liên lạc từ hai đầu bán cầu, GS Ngô Thanh Nhàn đã trực tiếp trở về Việt Nam và cùng nhóm Xẩm Hà Thành điền dã hát xẩm, gặp gỡ các nghệ nhân...

leftcenterrightdel
 Nhóm Xẩm Hà Thành biểu diễn bên hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh: THANH VÂN

Khi gặp nhau tại hội thảo, hầu hết các học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ tham gia hội thảo đều ghi nhận hát xẩm là một nghệ thuật độc đáo cần được bảo tồn và phát huy trong xã hội đương đại.

PGS, TS Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam bàn riêng về âm nhạc của hát xẩm; tác giả Trần Nghi Hoàng đặt trọng tâm vào khía cạnh văn chương của hát xẩm; PGS, TS Hà Thị Hoa lại tìm hiểu giá trị của hát xẩm trong hệ thống làn điệu chèo cổ; nhóm tác giả: PGS, TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, TS Phan Gia Anh Thư... có nghiên cứu khá thú vị về thử ký âm, nhận diện hát xẩm bằng âm phổ; hay như tác giả Nguyễn Thị Tâm Hạnh bàn về giá trị và sự cần thiết hồi sinh các bài kể vè trong không gian di tích văn hóa-lịch sử gắn với sự kiện thất thủ Thuận An (1883), thất thủ kinh đô Huế (1885) qua góc nhìn đối sánh với nghệ thuật hát xẩm.

Những cách triển khai này góp thêm sự phong phú cho công tác nghiên cứu, bảo tồn nghệ thuật hát xẩm trong xã hội đương đại.     

Hát xẩm cần được bảo vệ khẩn cấp

Từng có nhiều lo ngại rằng giới trẻ đang thờ ơ với truyền thống, vì vậy, những cống hiến lặng lẽ của các nhà nghiên cứu âm nhạc, nhóm Xẩm Hà Thành và rất nhiều bạn trẻ ở Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng là minh chứng sống động khẳng định giá trị văn hóa truyền thống vẫn được duy trì, tiếp nối như một mạch chảy không ngừng trong đời sống hôm nay.

Nghệ thuật hát xẩm đang được đưa vào đề án gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của tỉnh Ninh Bình, thông qua việc tỉnh đã phục dựng lại không gian tồn tại, không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư và các hoạt động liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật hát xẩm với hy vọng, trong tương lai, những giá trị độc đáo của xẩm sẽ càng lan tỏa trong cộng đồng. 

Ông Tống Quang Thìn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định quan điểm bảo tồn hát xẩm của địa phương: “Để khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm một cách bền vững, trở thành một phần tất yếu trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2019-2022”.

Những nội dung trình bày tại hội thảo là một trong những nội dung quan trọng của đề án nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về nghệ thuật hát xẩm, tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khoa học nhằm bảo tồn và phát triển, phát huy hiện hữu nghệ thuật này trong đời sống”.    

Dẫu vậy, hát xẩm vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt. PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó viện trưởng Phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhận định, hát xẩm đang phải đối mặt với thách thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghệ thuật này cần được bảo vệ khẩn cấp. Trong đó, khó khăn đến từ nhiều khía cạnh, từ thiếu nghệ nhân, tài liệu, nghệ thuật, từ môi trường diễn xướng cho đến thị hiếu của khán giả... Cũng chính vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị của hát xẩm trong xã hội đương đại là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của công tác nghiên cứu, phục hồi nghệ thuật hát xẩm.

Nhà nghiên cứu âm nhạc NGUYỄN QUANG LONG