QĐND Online-Buổi trình diễn sắp đặt “Bên trong-bên ngoài” (một phần của dự án nghiên cứu quốc tế về âm nhạc “Music in Movement” do Hội Nghiên cứu Thụy Điển tài trợ) mới diễn ra tại Nhà hát Kim Mã, Hà Nội. Buổi trình diễn trong không gian mờ ảo đã thu hút hàng trăm lượt khách đến xem. Lần đầu tiên, người nghe vừa được sống trong không gian âm nhạc dân tộc, vừa được xem những điệu bộ trong biểu diễn âm nhạc.
Đặt âm nhạc dân tộc vào trong tủ kính
Thoạt nghe thì thấy lạ, nhưng khi tiếp xúc với chị Nguyễn Thanh Thủy, một trong ba nhạc công ngồi trong tủ kính biểu diễn nhạc truyền thống trong buổi trình diễn sắp đặt “Bên trong-bên ngoài” thì mới hiểu rõ được dụng ý của những người làm chương trình này cũng như những nghệ sĩ biểu diễn.
Theo chị Thủy, hiện nay, hầu như giới trẻ không còn nhiều người quan tâm đến âm nhạc dân tộc. Với họ, nhạc dân tộc là thể loại khó tiếp cận và có lẽ là thể loại nhạc dành cho bảo tàng và nên đưa vào bảo tàng. Từ suy nghĩ đó, các nghệ sĩ đã đặt mình và các nhạc cụ dân tộc vào trong tủ kính để biểu diễn như một ý nghĩa ngầm thể hiện nhạc dân tộc đang dần giống như một vật trưng bày ở trong bảo tàng!
Trong một cuộc hội thảo về âm nhạc dân tộc tổ chức tháng 10-2012, các nhà khoa học cũng cho rằng, âm nhạc dân tộc đang bị mờ dần bản sắc và thưa vắng người nghe, người xem. Một bộ phận lớn tuổi trẻ không hiểu hết giá trị của âm nhạc truyền thống, hướng vào âm nhạc thương mại, âm nhạc nước ngoài. Âm nhạc trẻ quay lưng với âm nhạc dân tộc đang khiến cho những người hoạt động âm nhạc dân tộc hết sức khó khăn. Theo Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, các loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc như: Tuồng, chèo, cải lương, dân ca... không còn diễn thường xuyên và không có được người xem đông đúc như trước đây.
Giữa cái khó ấy, những nghệ sĩ biểu diễn nhạc dân tộc như chị Thủy đã mạnh dạn áp dụng cái mới vào nhạc dân tộc với mong muốn kéo khán giả đến gần hơn với thể loại nhạc này. Đặt nhạc dân tộc vào trong tủ kính để đưa nhạc dân tộc đến gần công chúng hơn.
Một cách làm hay!
Trình diễn sắp đặt “Bên trong-bên ngoài” biểu diễn trong một không gian kín, ánh sáng mờ, ảo. Bước vào phòng trình diễn, người xem bắt gặp hình ảnh ba nhạc công trong ba chiếc tủ kính, khoác trên mình trang phục của hoàng cung xưa ngồi đánh đàn tỳ bà, đàn bầu và đàn tranh.
 |
Nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong buổi biểu diễn sắp đặt “Bên trong-bên ngoài”.
|
Trong 45 phút trình diễn, có những phút cả ba nghệ sĩ bất động với những tư thế đang chơi đàn, có những lúc lại vừa đánh đàn vừa biểu diễn hình thể uyển chuyển.
Ở bên mỗi tủ kính đều gắn một chiếc tai nghe. Qua tai nghe, thính giả sẽ được thưởng thức riêng những âm thanh của những nhạc cụ truyền thống. Bên ngoài là những hỗn âm từ sự kết hợp của âm nhạc điện tử, âm thanh của đàn tỳ bà, đàn bầu và đàn tranh. Thính giả khi nghe sẽ cảm nhận được nhiều tầng âm thanh độc đáo và khác biệt. Chất liệu âm nhạc được các nghệ sĩ lựa chọn biểu diễn là cải lương bao gồm những bài vọng cổ hay.
Bằng cách đưa âm nhạc dân tộc vào trong tủ kính, các nghệ sĩ đã tạo ra một cách biểu diễn nhạc dân tộc mới hoàn toàn so với những cách biểu diễn thông thường trước đây. Người nghe vừa được nghe nhiều âm thanh của các nhạc cụ dân tộc khác nhau vừa có cơ hội trải nghiệm với những hỗn âm từ các loại nhạc cụ này. Không những thế, trang phục biểu diễn, cách trình diễn cũng như ánh sáng của phòng trình diễn cũng là những hiệu ứng gây đặc biệt với những ai đến xem.
Mặc dù các buổi trình diễn sắp đặt “Bên trong-bên ngoài” chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng tính hiệu quả của chương trình thì lại không hề ngắn. Đó là một cách làm mới nhạc dân tộc-thể loại nhạc đang dần bị mai một, nó mở ra con đường mới đưa nhạc dân tộc đến gần khán giả hơn cho những nghệ sĩ biểu diễn dân tộc.
Trước thực trạng âm nhạc dân tộc đang bị mờ dần bản sắc và thưa vắng người nghe, người xem như hiện nay, cách làm táo bạo của các nghệ sĩ khi trình diễn sắp đặt “Bên trong-bên ngoài” khiến người ta có quyền tin tưởng vào sự sáng tạo và hết mình của những nghệ sĩ biểu diễn nhạc dân tộc trong “cuộc chiến” giành lại vị thế cho thể loại âm nhạc đặc sắc này. Mong rằng, một ngày không xa, với sự cố gắng lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị âm nhạc dân tộc của các nghệ sĩ và của chính những khán giả, nhạc dân tộc sẽ dần dần trở lại, xứng đáng là món ăn tinh thần vô giá của dân tộc.
Bài, ảnh: THU THỦY