Vùng đất văn hóa đa dạng, độc đáo
Hà Tĩnh được coi là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, địa linh nhân kiệt. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn có hơn 1.800 di tích lịch sử-văn hóa; có nhiều lễ hội văn hóa dân gian, làn điệu dân ca, diễn xướng dân gian độc đáo (hát sắc bùa, hò chèo cạn...). Trong đó, có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được UNESCO ghi danh ở nhiều hạng mục, như: Dân ca ví, giặm, ca trù, mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ... Người Hà Tĩnh yêu quê hương, đất nước; nồng nàn, kiên cường, dũng cảm; khắc phục, chế ngự thiên nhiên; hiếu học; chịu thương, chịu khó, sống cương trực, chân tình; luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, kết nối vì cộng đồng.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, khẳng định: “Với Hà Tĩnh, truyền thống văn hóa đã trở thành nguồn sức mạnh nội sinh để nhân dân tỉnh nhà vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chiến thắng thiên tai, địch họa, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đặc biệt, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, nhiều giá trị văn hóa mới được bổ sung và phát triển, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”.
 |
Tiết mục dân ca ví, giặm “Muối mắm nên duyên” do Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan dân ca ba miền năm 2021. |
Ý thức vai trò văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, chính quyền tỉnh đã chú trọng tổ chức nền nếp các lễ hội; thành lập ban quản lý di tích lịch sử văn hóa; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu cổ, dân ca; đưa dân ca vào trường học; dạy hát dân ca trên sóng phát thanh-truyền hình; lồng ghép giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa truyền thống, nông sản tại các khu, điểm du lịch... Đặc biệt, sau trận lũ lịch sử năm 2020 đến nay, với chủ trương xã hội hóa, tỉnh đã huy động nguồn lực xây dựng 43 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ, đồng thời làm nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao, thư viện, hoạt động của các câu lạc bộ, lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, gắn kết tình làng, nghĩa xóm.
Các giải pháp kể trên chứng minh cho nỗ lực của Hà Tĩnh tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, làm giàu văn hóa địa phương trong bối cảnh kinh tế-xã hội ngày càng phát triển.
Phát triển dựa vào lợi thế du lịch văn hóa kết hợp với đặc thù mỗi quê hương
Chăm lo xây dựng văn hóa được hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh hết sức quan tâm thông qua xây dựng, thực hiện các đề án thiết thực, phù hợp với thực tiễn. Huyện Nghi Xuân đang thực hiện Đề án “Xây dựng huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025”. Đề án nhằm thực hiện mục tiêu đưa Nghi Xuân trở thành đô thị phía Bắc của tỉnh với trọng tâm là phát triển du lịch biển và du lịch văn hóa với lợi thế quê hương đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân Nguyễn Công Trứ... Văn hóa và du lịch gắn kết với nhau, mang lại nguồn lợi cho kinh tế địa phương, đồng thời quảng bá nét đặc sắc văn hóa Hà Tĩnh.
Hiệu quả đầu tư cho văn hóa thường phải nhiều năm mới thấy rõ. Cho nên, không ít địa phương có quan niệm: Văn hóa là lĩnh vực đầu tư sau cùng, cắt giảm ngân sách đầu tiên. Nhưng Hà Tĩnh quyết tâm tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hóa với tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, Hà Tĩnh có các thiết chế văn hóa cấp tỉnh gồm: Bảo tàng tỉnh, nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh; 100% huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa-thể thao.
Tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho ngành chuyên môn và cơ quan liên quan tăng cường phát triển nguồn nhân lực văn hóa; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ về văn hóa cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa; khai thác sức mạnh kinh tế của văn hóa, lan tỏa hình ảnh văn hóa, con người Hà Tĩnh tới các địa phương trong nước và nước ngoài; kết nối các tour, tuyến du lịch gắn với văn hóa tâm linh, lễ hội, hoạt động du lịch Hà Tĩnh...
Hội nghị văn hóa trở thành diễn đàn quan trọng để cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà trong chặng đường mới.
Bài và ảnh: HÀ LINH