Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong số không nhiều các bảo tàng ở nước ta hiện nay đã đổi mới phương thức hoạt động để thu hút khách tham quan bằng việc ứng dụng thuyết minh đa phương tiện (iMuseum VFA) vào việc giới thiệu các hiện vật với khách tham quan.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nơi sở hữu 9 bảo vật quốc gia và 20 nghìn tác phẩm hội họa và cổ vật, là minh chứng sinh động cho dòng chảy phát triển nền văn hóa Việt Nam từ thời tiền sử đến đương đại. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ số vào thuyết minh các hiện vật chính là cách “đánh thức không gian văn hóa” sau thời gian “ngủ quên”.
 |
Đại biểu nước ngoài tham quan Bảo tàng Mỹ thuật. Ảnh: Bảo tàng cung cấp |
Kết nối giữa nghệ thuật và du lịch
Đầu tháng 6 vừa qua, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra sự kiện trải nghiệm tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và giao lưu kết nối với sự tham dự của hơn 60 khách mời là đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, các Đại sứ quán, văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội.
Chương trình do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và Bộ Ngoại giao tổ chức với mong muốn giới thiệu tới bạn bè quốc tế những tác phẩm tiêu biểu đang được lưu giữ tại Bảo tàng qua chương trình highlight tours: Tranh sơn mài Việt Nam.
Bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá cao ý tưởng của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong việc tổ chức sự kiện kết nối giữa nghệ thuật và du lịch bền vững, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Di sản văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực để vừa thúc đẩy hoạt động du lịch văn hóa bền vững, bảo đảm sự cân bằng giữa việc phát triển và bảo tồn di sản văn hóa.
Trong chương trình tham quan, Bảo tàng đã ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Với 8 ngôn ngữ, ứng dụng này đã giúp khách tham quan của nhiều nước hiểu rõ hơn về giá trị của các hiện vật đang được trưng bày ở bảo tàng.
Được “thực mục sở thị” các bảo vật quốc gia đang trưng bày ở Bảo tàng đồng thời nghe thuyết minh cụ thể thông qua ngôn ngữ của 8 quốc gia, du khách nước ngoài đều tỏ ra hào hứng và thích thú với cách đổi mới hiện nay của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tại sự kiện này, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã gửi lời cảm ơn tới các Đại sứ và đại diện các tổ chức văn hóa quốc tế đã dành cho Bảo tàng sự tin tưởng, cùng xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt và đồng hành trong công cuộc giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của các nước trên tinh thần học hỏi và kết nối, giao lưu quốc tế. Đây là sáng kiến của Bảo tàng tổ chức các tour ngoại giao văn hóa, du lịch di sản để quảng bá những giá trị, vẻ đẹp di sản văn hóa, đặc biệt là mỹ thuật của Việt Nam tới công chúng quốc tế.
 |
Du khách trải nghiệm ứng dụng thuyết minh đa phương tiện trên điện thoại khi tham quan Bảo tàng. Ảnh: Bảo tàng cung cấp |
Du khách khám phá bảo tàng nhờ hướng dẫn viên “công nghệ số”
Không cần phải có các thuyết minh viên đi theo hướng dẫn, giờ đây, đến với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, du khách được lắng nghe các câu chuyện đằng sau mỗi bảo vật, mỗi bức tranh sơn mài bằng ứng dụng số. Đây chỉ là một ví dụ cho thấy công nghệ đã mang tới những trải nghiệm mới mẻ cho khách khi đến thăm Bảo tàng.
Sinh viên Nguyễn Duy Bắc (Đại học Văn hóa Hà Nội) bày tỏ: "Đến đây, tôi khá bất ngờ vì mới biết thêm có tour du lịch mới bằng ứng dụng iMuseum VFA ở Bảo tàng. Tôi thích tour khám phá bảo vật quốc gia ở Bảo tàng bằng thiết bị điện tử này. Khi đến đây, tôi được trải nghiệm, nhìn thấy các bảo vật quốc gia đang trưng bày ở Bảo tàng. Qua việc giới thiệu bằng ứng dụng mới này, tôi thấy rất bổ ích và lý thú đồng thời hữu ích cho việc học tập của mình”.
Là bạn học cùng trường với Nguyễn Duy Bắc, em Nguyễn Thanh Nga đến tham quan Bảo tàng không chỉ để hiểu rõ hơn, nâng cao kiến thức về văn hóa mà còn để tăng vốn từ ngoại ngữ của bản thân.
“Được trải nghiệm ứng dụng iMuseum VFA đã cho tôi nhiều điều nghiệm thú vị. Thứ nhất là về ngôn ngữ, ứng dụng này đa dạng ngôn ngữ. Đến đây, du khách không chỉ nghe tiếng Việt mà còn có thể trải nghiệm bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác. Từ ứng dụng này, có thể cung cấp cho tôi một số thông tin mới, các từ ngữ mới về tiếng Anh. Qua đó, tôi có thể học được từ vựng của tiếng Anh. Buổi tham quan Bảo tàng đã giúp tôi nâng cao hơn nữa vốn từ ngoại ngữ của mình”, em Nguyễn Thanh Nga cho biết.
Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhanh chóng triển khai ứng dụng iMuseum VFA bằng 8 ngôn ngữ, và sắp tới là 10 ngôn ngữ. Đây là vấn đề mà không phải Bảo tàng nào cũng có thể thực hiện được.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết: Ứng dụng iMuseum VFA tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR và định vị iBeacon, tiện lợi và nhanh chóng cho mỗi du khách. Sáng kiến với 2 tour mới là: Khám phá 9 Bảo vật Quốc gia và Khám phá Tranh sơn mài. Ưu điểm của việc đưa ứng dụng iMuseum VFA vào Bảo tàng là không mất quá nhiều nhân lực vào việc thuyết minh cho du khách. Ngoài ra, người xem được tự mình khám phá các hiện vật sẽ có nhiều thú vị hơn.
Họa sĩ Vương Lê Mỹ Học (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) mong muốn có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm để khách tham quan đến Bảo tàng không chỉ để nghe mà còn có thể thử và hiểu được cách mà người nghệ sĩ sáng tác ra một tác phẩm nghệ thuật như thế nào. Qua đó, người xem càng trân trọng và nâng niu giá trị mà người nghệ sĩ thể hiện trên tác phẩm nghệ thuật.
Ứng dụng iMuseum VFA và bảo tàng online đang là xu thế tất yếu để các điểm di sản không bị rơi vào lãng quên. Cùng với đổi mới hành trình, thì đưa công nghệ số vào bảo tàng là cách trưng bày hiện vật hữu hiệu cho tương lai, trong sự mở rộng đa chiều về không gian. Đây thực sự là một bước tiến lớn trên chặng đường phát triển của các bảo tàng và di tích Việt Nam hiện nay.
KHÁNH HUYỀN