Ngôi chùa soi bóng bên dòng Nghĩa Trụ tựa đóa sen hồng giữa hồ nước ngát hương. Đứng dưới mái tam quan, bà Nguyễn Thị Mùi là phật tử của chùa niềm nở giới thiệu với khách: “Chùa Đào Xuyên vừa là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vừa là di tích lịch sử cách mạng. Chúng tôi rất phấn khởi khi chùa được trùng tu, tôn tạo khang trang, trở thành địa điểm tu tập của nhiều phật tử”.

Dưới tán cây xanh mát, ngôi chùa hiện ra với mái ngói vút cong, vườn tháp thâm trầm. Chùa được xây dựng vào năm 1350, có kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc. Tòa tam bảo quay hướng Đông Nam, phía sau có hai hành lang nối với nhà tăng, nhà mẫu, nhà tổ. Bên trái tam bảo là hồ nước, ở giữa dựng một đài hoa sen.

Di tích lịch sử cách mạng chùa Đào Xuyên. 

Đi dưới bóng cây vãng cảnh chùa, thoảng thơm mùi trầm hương, chúng tôi được Thượng tọa Thích Thanh Quy, trụ trì chùa Đào Xuyên giới thiệu tấm bia lưu niệm di tích lịch sử cách mạng khắc ghi những sự kiện diễn ra trong ngôi chùa này. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Đào Xuyên là nơi nuôi giấu cán bộ Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo đã về đây hoạt động cách mạng. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Đào Xuyên là cơ sở cách mạng, nơi đây đặt in tài liệu, Báo Độc lập, trạm tiếp nhận, phân phối Báo Độc lập. Hai sư cụ Thích Thông Thiết và Thích Nguyên Nhàn đã dành hai căn phòng để đặt máy in và tham gia in ấn tài liệu tuyên truyền cách mạng. Thời điểm đó, chùa còn là cơ quan bí mật của Huyện ủy Gia Lâm đào tạo nhiều cán bộ phục vụ cách mạng. Hiện tại, nơi in ấn Báo Độc lập và tài liệu tại chùa Đào Xuyên thành nhà lưu niệm. Sư cụ Thích Thông Thiết được công nhận là liệt sĩ vì đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Là một trong những di tích lịch sử cách mạng quan trọng của huyện Gia Lâm, chùa Đào Xuyên được quan tâm bảo tồn nhằm phát huy tốt giá trị của di tích. Thượng tọa Thích Thanh Quy cho biết: “Năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban quản lý di tích-danh thắng Hà Nội phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhà chùa tiến hành trùng tu di tích chùa Đào Xuyên. Quá trình thực hiện, dự án được xây dựng kế hoạch chi tiết bảo đảm việc trùng tu, tôn tạo đúng với kiến trúc cổ truyền thống. Dự án nhận được nhiều đóng góp về kinh phí của nhân dân, phật tử thập phương để xây dựng khuôn viên chùa Đào Xuyên khang trang”. 

Ngoài là nơi thờ tự, tu tập của tăng ni, phật tử, chùa Đào Xuyên còn là trụ sở của Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Gia Lâm, tổ chức nhiều hoạt động, sinh hoạt văn hóa tôn giáo. Hằng năm, chùa tổ chức các khóa tu dành cho học sinh, sinh viên, tạo ra môi trường học tập, sân chơi lành mạnh. Trong khuôn viên chùa có bảng in mã QR, khách chỉ cần quét mã là hiện ra lịch sử, thông tin hoạt động của chùa Đào Xuyên. Đó cũng là cách tuyên truyền để nhân dân nhận thức được trách nhiệm trong việc gìn giữ di sản văn hóa của địa phương, để nơi đây không chỉ là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo mà còn là nơi giáo dục truyền thống, nhân lên niềm tự hào về di tích cách mạng trên mảnh đất quê hương.

Bài và ảnh: ĐĂNG KHOA